Dự án nào cũng đội vốn
Dự án đường sắt đô thị nhiều tai tiếng vay vốn Trung Quốc được nhắc tới nhiều nhất chính là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Siêu dự án này do Công ty Hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC. Dự án chính thức được khởi công từ tháng 10/2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2013. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang dang dở trong khi vốn đầu tư cứ “đội” dần lên theo thời gian.
Dự án có tổng vốn đầu tư 552 triệu USD vào năm 2008, trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD và vốn đối ứng của Việt nam là 133 triệu USD. Tuy nhiên, do nhiều lần chậm tiến độ, đến năm 2016, dự án đã bị đội vốn lên 868 triệu USD (khoảng 18.000 tỷ đồng), tăng 315 triệu USD.
Một trong những lý do là Hiệp định vay bổ sung hơn 250 triệu USD từ Trung Quốc cho dự án chậm được giải ngân; năng lực tổng thầu Trung Quốc còn hạn chế.
|
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là dự án đầy tai tiếng. |
“Việc thanh toán của tổng thầu cho các nhà thầu phụ cũng rất chậm trễ dẫn đến các nhà thầu phụ thiếu vốn thi công, làm ảnh hưởng tiến độ triển khai thi công của dự án”, Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong một văn bản báo cáo Thủ tướng.
Một dự án đường sắt đô thị khác tại Hà Nội cũng đang thực hiện dở dang là Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Dự án chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Dự án được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn trong năm 2018. Theo kế hoạch dự án dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2018, tuy nhiên, hiện tại tổng tiến độ chung dự án mới chỉ đạt trên 43%. Chính vì thế, Dự án đang xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án vào năm 2022.
Sau nhiều năm triển khai, dự án cũng đội vốn từ mức 18,4 nghìn tỷ lên gần gấp đôi, với số vốn là 32,9 ngàn tỷ đồng.
Còn tại TP.HCM, 2 dự án đường sắt đô thị khác cũng trong tình trạng tương tự. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2007 là hơn 17,3 nghìn tỷ đồng. Nhưng sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên hơn 47,3 nghìn tỷ đồng (tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng).
Trong đó vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là hơn 41,8 nghìn tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.
Theo tiến độ ban đầu, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Thế nhưng đến nay mới thi công được 50% khối lượng, nên tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành lùi đến năm 2020.
Một dự án đường sắt đô thị khác ở TP.HCM lâm cảnh tương tự là Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương dài 9,2km.
Tổng mức đầu tư của dự án tàu điện ngầm số 2 được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010 là khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2015 UBND TP đã phải xin điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đến nay dự án đã được UBND TP.HCM trình điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 48,7 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM dài 9,2km này đã tăng thêm hơn 22,6 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ họp về dự án đường sắt đô thị TP.HCM. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án để phục vụ sự phát triển TP.HCM, chống ùn tắc giao thông và cũng để sử dụng vốn hiệu quả. Đi liền với đó, phải bảo đảm yếu tố pháp luật của dự án.
'Căn bệnh' của đầu tư công
Khi lý giải cho việc các dự án đường sắt đô thị đội vốn, chậm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải thường viện dẫn lý do do trong quá trình thực hiện dự án, có một số hạng mục phải sửa đổi, bổ sung dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở nhằm phát huy hiệu quả đầu tư dự án; việc thay đổi, tối ưu hóa thiết kế cơ sở, rồi do thiếu kinh nghiệm, lập dự án nhiều thiếu sót,...
Cùng với đó, là sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009; thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư; tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 làm cho tổng mức đầu tư dự án tăng.
|
Các tuyến metro Sài Gòn cũng chậm tiến độ, đội vốn |
Chia sẻ với PV.VietNamNet, chuyên gia logistics GS.TS Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá: Tình trạng đội vốn, chậm tiến độ ở các dự án đường sắt đô thị cũng tương tự các dự án đầu tư công khác. Đầu tư lĩnh vực nào cũng đội vốn lên cả, do khâu thẩm tra, phê duyệt, triển khai thi công đều có vấn đề. Đó là bệnh không thể ngày một ngày hai xử lý được.
“Căn bệnh đó cần phải thay đổi. Đồng tiền đầu tư phải được sử dụng có hiệu quả, nhất là khi đó lại là đồng tiền đi vay của nước ngoài”, GS.TS Đặng Đình Đào đánh giá.