Siết tín dụng, ngân hàng phải ‘thắt lưng buộc bụng’

Chỉ khi nào bóc tách các khoản vay mua nhà ẩn trong cho vay tiêu dùng cá nhân thì lĩnh vực tín dụng mới có cơ hội thoát khỏi “vòng kim cô”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 04 về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng những tháng cuối năm 2018. Chỉ thị nêu rõ: Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.
Bên cạnh đó, người đứng đầu NHNN cũng yêu cầu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản (BĐS), chứng khoán, BOT, BT giao thông...
Như vậy tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 17% đưa ra đầu năm nay. Mục tiêu nhằm ưu tiên ổn định tỉ giá và kiểm soát lạm phát.
Siet tin dung, ngan hang phai ‘that lung buoc bung’
 Ảnh minh họa
Cả ngân hàng lẫn người vay đều lo
Việc bất ngờ siết tín dụng chắc chắn sẽ khiến không ít ngân hàng vượt tỉ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp từ đầu năm đứng ngồi không yên vì dư địa cho vay sẽ không còn nhiều trong những tháng cuối năm. Thậm chí sau lệnh “thiết quân luật” tín dụng của NHNN, nhiều ngân hàng lập tức phải điều chỉnh chỉ tiêu hoạt động, giảm lợi nhuận. Điển hình như LienVietPostBank vừa thông báo điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm 33%, từ 1.800 tỉ đồng xuống còn 1.200 tỉ đồng.
Đại diện một ngân hàng khác cũng cho hay thay vì tập trung vào dư nợ cấp mới đã lên kế hoạch tái cấu trúc cơ cấu tín dụng theo hướng giảm dần các khoản vay cho khách hàng lớn và tập trung vào mảng bán lẻ với khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp lớn gặp không ít khó khăn trong việc vay vốn.
Đáng chú ý NHNN nhấn mạnh cần kiểm soát chặt tín dụng tiêu dùng (TDTD), nhất là TDTD liên quan đến BĐS. Điều này cũng đồng nghĩa những ngân hàng “nhập nhèm” dư nợ cho vay BĐS vào TDTD lo sốt vó. Lý do là lâu nay nguồn tiền đổ vào lĩnh vực này rất lớn. Theo thống kê từ NHNN, trong nửa đầu năm nay tỉ trọng dư nợ cho vay nhà, đất của ngành ngân hàng lên đến trên 491.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 7,5% tổng dư nợ tín dụng.
Lý giải về việc siết chặt TDTD, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, khẳng định: “NHNN tiếp tục kiểm soát tốc độ tăng trưởng TDTD. Năm nay hoạt động cho vay tiêu dùng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%, trong khi con số tăng trưởng TDTD của năm ngoái lên tới 30%”.
Cũng theo ông Hùng, việc tăng trưởng TDTD quá cao tiềm ẩn rủi ro khi các ngân hàng cho vay sai mục đích. Do vậy, với mức tăng trưởng 20% là phù hợp, nếu cao hơn nguy cơ sẽ tạo ra rủi ro lớn và thấp hơn nữa thì không đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân.
Tuy nhiên, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần không tán đồng với quan điểm siết TDTD bởi ông cho rằng vay tiêu dùng là nhu cầu thiết thực của người dân. Hơn nữa đây cũng là mảng đóng góp một phần quan trọng trong hiệu quả tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.
“Việc NHNN yêu cầu hạn chế cho vay tiêu dùng là rất dở. Nó chẳng khác nào khóa tay cả ngân hàng lẫn người tiêu dùng” - vị tổng giám đốc ngân hàng trên nói.
Tác động cả hai mặt
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phú Đông, đánh giá siết TDTD, đặc biệt là siết cho vay BĐS có tác động đến thị trường mang tính hai mặt. Một mặt giúp làm giảm lượng khách hàng đầu cơ, đầu tư BĐS. Ngược lại, chủ trương này cũng khiến những người có nhu cầu mua nhà ở thực đối mặt với việc khó vay vốn và lãi suất xu hướng ngày càng tăng.
Bằng chứng là lãi suất cho vay mua nhà gần đây tăng khoảng 1%-2%, khiến nhiều người méo mặt. Bên cạnh đó hiện nay nhiều ngân hàng chỉ cho vay khoảng 50% giá trị nhà, đất được thẩm định, thay vì 70%-80% như trước đây.
Trong khi đó TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận xét rằng việc các ngân hàng đẩy khoản cho vay mua nhà vào danh mục cho vay tiêu dùng đã làm méo mó bức tranh cho vay BĐS. Tính đến nay tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 6,8 triệu tỉ đồng. Với tỉ trọng cho vay BĐS (bao gồm cả cho vay sửa chữa nhà, xây nhà…) chiếm khoảng 20% tổng dư nợ thì con số tuyệt đối cho vay lĩnh vực này phải lên đến 1,36 triệu tỉ đồng. Đây là con số rất lớn.
“Điều này cho thấy tín dụng BĐS đang ẩn nấp trong TDTD rất lớn, nếu TDTD bị đẩy lên quá cao cũng đồng nghĩa làm gia tăng hiện tượng đầu cơ. Chính vì vậy, việc NHNN siết lại TDTD ở thời điểm hiện nay là hợp lý. Song biện pháp giải quyết triệt để nhất là phải đem tất cả món vay mua nhà đang nằm trong mảng TDTD chuyển sang mảng cho vay BĐS. Nếu tín dụng BĐS được bóc tách hoàn toàn khỏi TDTD, NHNN chẳng cần dùng tới “vòng kim cô” để siết thì tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng cũng sẽ tự động giảm mạnh” - ông Hiếu phân tích.
Tán đồng quan điểm này, một số chuyên gia nhận định đứng trước chủ trương mới siết lại tín dụng của NHNN, các ngân hàng thương mại cần phải “ăn kiêng, thắt lưng buộc bụng”. Cụ thể, bên cạnh chỉ tiêu được NHNN giao, các tổ chức tín dụng muốn cho vay nhiều hơn phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu, giảm chi phí hoạt động, nâng cao hơn tỉ trọng thu từ dịch vụ… mới tự tạo được dư địa cho mình.
Theo Thùy Linh/ PLO

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN