Theo Shinhan Bank, nhu cầu trong nước và lĩnh vực du lịch dự kiến sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng tăng trưởng chung dự kiến sẽ chậm lại do nhu cầu nước ngoài giảm - hệ quả của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu đi vào hoạt động vào đầu năm nay và dự kiến sẽ cải thiện khả năng tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn cũng như làm nổi bật sức hấp dẫn môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong đó, tiến tới xóa bỏ ước tính 90% thuế quan đối với thương mại giữa các nước ký kết trong 20 năm tới, hợp lý hóa chính sách thông quan và quy định xuất xứ theo quy tắc cộng gộp. Đồng thời với chiến lược “Trung Quốc + 1”, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành một cơ sở sản xuất thay thế và quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Shinhan Bank cũng thừa nhận Việt Nam rất nỗ lực thu hút FDI, thúc đẩy dòng vốn vào các dự án công nghiệp công nghệ cao. Bất chấp đại địch COVID-19, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì do nỗ lực thu hút đầu tư của Chính phủ.
Cụ thể, FDI từ tháng 1 tới tháng 5 là 11,71 tỷ USD, tăng chủ yếu ở lĩnh vực chế biến & sản xuất (6,81 tỷ USD) và bất động sản (3 tỷ USD). Trong đó, Singapore đứng đầu danh sách đầu tư với 2,96 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 2 với 2,06 tỷ USD. Đan Mạch đứng thứ 3 với các dự án xây dựng các nhà máy sản xuất carbon trung tính.
Chính phủ có kế hoạch cải thiện môi trường doanh nghiệp với mục tiêu 50% trong số 500 công ty hàng đầu thế giới có thể đầu tư vào Việt Nam tầm nhìn tới 2030. Thực hiện các chính sách như ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, cải thiện hệ thống luật pháp, chuyển giao công nghệ giữa các công ty toàn cầu và trong nước, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ cốt lõi.
Chứng khoán kỳ vọng khởi sắc từ dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai
Với thị trường chứng khoán, Shinhan Bank cho rằng Việt Nam có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trong nước cao và nhiều khả năng nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Hiện giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên VN-Index là khoảng 44% tuy nhiên tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài hiện tại chỉ ở mức 20%, điều này có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ nhiều cổ phiếu hơn. Mặc dù thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong tháng 4 và tháng 5, nhưng chỉ số VN-Index đã phục hồi trở lại do khối ngoại mua vào với mức giá thấp.
Thêm vào đó, S&P đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam (BB → BB+) mang lại sự tích cực đối với dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán.
Khả năng suy giảm dòng tiền do chính sách thắt chặt ngành bất động sản, mức tăng lãi suất sẽ bị hạn chế
Shinhan Bank cũng cho rằng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ồ ạt làm tăng rủi ro thanh khoản khi trái phiếu đến hạn. Đồng thời khả năng suy giảm dòng tiền do các chính sách vào ngành bất động sản thắt chặt.
Trong 2 năm gần đây, các doanh nghiệp khó tiếp cận các khoản vay ngân hang tìm tới kênh trái phiếu doanh nghiệp đã tăng rất nhanh. Tổng phát hành trái phiếu năm 2021 là 640 nghìn tỷ đồng (27,6 tỷ USD), tăng 40% so với cùng kỳ. Trong đó tổng trái phiếu phát hành bởi các công ty bất động sản là 189 nghìn tỷ đồng (8,26 tỷ USD) và 73% trong số đó đáo hạn trong 3 năm. Điều này làm tăng rủi ro thanh khoản cho các tổ chức tài chính tiếp quản.
Shinhan Bank nhận định, các quy định về phát hành trái phiếu tín dụng và cho vay bất động sản có hiệu lực từ tháng 1 có thể làm suy giảm dòng tiền vào ngành bất động sản trong tương lai. Điều này cho thấy cần giám sát chặt chẽ vì rủi ro thị trường bất động sản có thể tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nguồn vốn FDI.
Nhận định về chính sách lãi suất, Shinhan Bank cho rằng áp lực tăng của lãi suất Việt Nam vẫn chiếm ưu thế mặc dù đã được dự báo trước.
Khi lạm phát của Việt Nam tiệm cận mức 3% do giá nguyên liệu thô toàn cầu tiếp tục tăng, NHNN cần phải tăng lãi suất. Lập trường chính sách ở mức vừa phải so với các nước lớn, tuy nhiên việc lãi suất của NHNN Việt Nam dự kiến đã được nhất trí nâng lên khoảng 4,5% trong nửa cuối năm.
Do lãi suất thị trường tăng tương đối nhanh sau khi phán ánh những thay đổi trong chính sách năm nay, một số biện pháp kiểm soát tốc độ tăng dự đoán sẽ được áp dụng, tuy nhiên áp lực tăng vẫn sẽ rất mạnh.
Bởi vẫn tồn tại nỗi lo ngại lạm phát do giá dầu tăng vọt sau cuộc chiến tranh và chính sách phong tỏa tại Trung Quốc. Đồng thời bước nhảy lãi suất lớn của Fed sẽ ảnh hưởng đến chính sách của các nền kinh tế mới nổi và lãi suất của Việt Nam.
Đối với tỷ giá, Shinhan Bank nhận định, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng trong năm 2022 do những lo ngại lạm phát gây nên bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến của Fed và giá nguyên liệu thô tăng. Tuy nhiên sẽ giảm dần vào cuối năm và duy trì quanh mức 23.000 nhờ các chính sách kích thích kinh tế, kích cầu trong nước, sự phục hồi của ngành du lịch và dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào.
Xuất khẩu giảm do tốc độ tăng trưởng thấp ở Trung Quốc và Mỹ, vốn là các đối tác thương mại lớn, là yếu tố gây nên sự tăng vọt của tỷ giá hối đoái.