1. Phó giám đốc Eximbank cuỗm 245 tỉ đồng của khách rồi bỏ trốn
Theo khách hàng Chu Thị Bình, bà là khách hàng thân thiết của Eximbank. Từ năm 2007, bà Bình cùng nhiều thành viên đều mở sổ tiết kiệm tại Eximbank chi nhánh TP.HCM với giá trị sổ từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Bà Bình gửi tiền tiết kiệm 12 tháng, lãi tất toán cộng tiền gốc gửi tiếp vào năm sau.
Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.
Tuy nhiên, trên thực tế ông Lê Nguyễn Hưng đã chỉ đạo nhân viên Eximbank lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán.
Giấy ủy quyền của bà Bình cho hai cá nhân có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân để rút tiền từ tài khoản của bà Bình. Tuy nhiên, bà Bình hoàn toàn không biết hai cá nhân này là ai, có những giấy uỷ quyền đã bị làm giả cả chữ ký của bà Bình. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt được số tiền rất lớn của bà Bình trong quãng thời gian dài.
Từ cuối tháng 2 năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã “bốc hơi”.
Toàn bộ các giao dịch với khách hàng Chu Thị Bình từ trước đến khi phát hiện vụ việc đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM trực tiếp theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống Korebank của Eximbank.
Bà Chu Thị Bình đã làm việc với Tổng Giám đốc EximBank và trình báo với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Phía Nam (C44B - Bộ Công An). Đầu tháng 02/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại ngân hàng Eximbank, chi nhánh TP.HCM.
Ban lãnh đạo của Eximbank đã xác nhận vụ việc bà Chu Thị Bình mất hàng trăm tỉ đồng, đồng thời cho biết theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đang ở Mỹ và đã bị công an Việt Nam thông báo truy nã quốc tế.
|
Ảnh minh họa: NLĐO. |
2. Một cán bộ ngân hàng Eximbank chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng
Trước đó, đã có lần cán bộ của Eximbank chiếm đoạt tiền tỳ của khách hàng. Báo An ninh Thủ đô đưa tin, ngày 21/9/2016, đối tượng Nguyễn Thị Lam, 29 tuổi, trú tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là cán bộ kiểm ngân của Phòng giao dịch Ngân hàng Eximbank, chi nhánh Nghệ An đã đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đầu thú và khai nhận hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Lam khai nhận, từ tháng 4/2016 đến nay, lợi dụng các mối quan hệ quen biết trong quá trình thực hiện giao dịch cho các khách hàng tại Phòng giao dịch thuộc Ngân hàng Eximbank, chi nhánh Nghệ An và vị trí công tác của bản thân, Nguyễn Thị Lam đã giả mạo chữ ký khách hàng, lập hồ sơ khống để đề nghị các khách hàng ký vào hồ sơ.
Sau đó, Lam đã thực hiện các giao dịch rút tiền hoặc chuyển khoản tiền tại sổ tiết kiệm của các khách hàng đã gửi tiết kiệm trong ngân hàng đến tài khoản của một số người thân và một số khách hàng khác của Lam để chiếm đoạt. Số tiền Lam đã chiếm đoạt là hơn 47 tỷ đồng.
Sau đó, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thị Lam đồng thời củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý nghiêm tội phạm theo quy định của pháp luật.
3. Nguyên giám đốc Eximbank Sài Gòn bị bắt
Thông tin trên tờ NLĐ cho hay, ngày 11/5/2015, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với Huỳnh Thị Trinh (SN 1972, trú tại quận Tân Bình, TPHCM), nguyên Giám đốc Ngân hàng Eximbank Sài Gòn về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Đồng phạm của bà Trinh là Phạm Duy Hiển (SN 1981, trú tại tỉnh Bình Dương), nguyên Phó trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp Eximbank Sài Gòn cũng bị khởi tố.
Mời quý độc giả xem video "Bắt Nguyên Giám đốc Chi nhánh Eximbank Sài Gòn". Nguồn NLĐTV.
Theo đó, năm 2012, Huỳnh Thị Trinh ký kết hợp đồng tín dụng cấp hạn mức cho vay không có tài sản đảm bảo một khoản tiền lớn với công ty TNHH Gia Phát Thành. Tuy nhiên khi thẩm định hồ sơ, cấp hạn mức tín dụng và quá trình giải ngân, Phạm Duy Hiển không đánh giá đúng năng lực hoạt động, năng lực tài chính của công ty, chấp nhận báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, không kiểm tra, kiểm soát hàng lưu kho, không kiểm tra thủ tục hải quan khi nhập hàng. Sau đó, Huỳnh Thị Trinh chấp nhận hồ sơ do Phạm Duy Hiển trình lên để thực hiện ký giải ngân cho vay.
Quá trình làm thủ tục cho vay, Huỳnh Thị Trinh chỉ quan hệ, giao dịch với một người thứ ba mà không trực tiếp làm việc với Giám đốc công ty TNHH Gia Phát Thành. Sau đó, khi giải ngân, bị can Trinh chỉ quản lý chung chung, không sâu sát nên dẫn đến việc số tiền cho vay bị thất thoát.
Việc làm của 2 bị can đã gây thiệt hại cho Eximbank chi nhánh Sài Gòn số tiền lớn, không có khả năng thu hồi.