Tại thời điểm cuối quý 2/2021, thu nhập từ dịch vụ của SCB đạt 1.310 tỷ đồng, tương đương 78% tổng thu nhập dịch vụ năm 2020.
Trong đó, doanh số bảo hiểm đạt gần 1.000 tỷ đồng, đưa SCB trở thành Ngân hàng đứng đầu thị trường, dẫn đầu tốc độ phát triển kinh doanh mảng Bancassurance.
Song song đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng ghi nhận tăng trưởng, đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
SCB cho biết, ngân hàng chuyển dịch mô hình kinh doanh, chú trọng phát triển hoạt động Ngân hàng bán lẻ, gia tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ và giảm dần phụ thuộc nguồn thu từ hoạt động tín dụng.
Hiện nay, quy mô tài sản của SCB đạt 670.749 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Hiện SCB có vốn điều lệ 20.020 tỷ đồng sau khi chào bán ra công chúng 478,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn thêm 4.788 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng và có diễn biến khó lường, ngoài việc tiếp tục các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng và giảm dần lãi suất, SCB cũng triển khai đánh giá lại toàn bộ các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm đảm bảo tính phù hợp, thận trọng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Điều này cũng làm ảnh hưởng nhất định tới thu nhập lãi của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021.
SCB cho biết đã kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng, tập trung hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu được kiểm soát tốt, tỷ lệ lần lượt là 1,19% và 0,89%. Hoạt động huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tiếp tục của SCB tăng trưởng mạnh với tỷ lệ 5,8% so với cuối năm 2020, đạt 612.375 tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ dân cư chiếm 93,6%.