Sau quyết định của Bộ GTVT, Grab có được mở rộng địa bàn?

Quy định hiện hành chưa đủ “sức” để quản Grab vì vậy đơn vị này có thể mở rộng địa bàn trên toàn quốc?
Vừa qua, Công ty TNHH Grab có văn bản xin mở rộng dịch vụ Grab Car (tận dụng xe nhàn rỗi đang được Bộ GTVT thí điểm) ra nhiều tỉnh, thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai… Tuy nhiên, trong văn bản trả lời, Bộ GTVT không đồng ý triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn các tỉnh nêu trên.
Đồng thời, đối với loại phương tiện này, Grab không được làm việc trực tiếp với tài xế taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý vận tải khi chưa được sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT địa phương.
 Thời gian qua xảy ra không ít tranh cãi về việc định danh đối với loại hình Grab. Ảnh: Viết Long.
Theo Bộ GTVT, Công ty TNHH Grab chỉ được phép hoạt động tại năm tỉnh, thành là Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh theo đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Chính phủ phê duyệt. Bộ GTVT chưa có chủ trương mở rộng dịch vụ Grab ra nhiều tỉnh, thành khác.
Theo Bộ GTVT, đơn vị luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ được áp dụng đối với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh và phương tiện đã được cấp phù hiệu vận tải. Đồng thời, phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh nêu trên phối hợp với công an tỉnh và cơ quan chức năng làm việc với các đơn vị vận tải taxi, hiệp hội vận tải trên địa bàn để làm rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách đảm bảo đúng các điều kiện. Căn cứ vào tình hình thực tế hoạt động vận tải và an toàn giao thông trên địa bàn để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải.
Hiện Grab cung cấp dịch vụ kết nối vận tải cho ba loại phương tiện, xe hợp đồng điện tử (GrabCar), xe taxi và xe máy. Như vậy, với quyết định trên Công ty TNHH Grab vẫn tiếp tục triển khai ở các tỉnh theo giấy phép đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được vận hành hoàn toàn hợp pháp theo quy định của Nghị định số 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Theo đó, đơn vị này cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh taxi thêm một phương thức kết nối thuận tiện giữa hành khách với tài xế taxi, bên cạnh các phương thức kết nối trực tiếp và gọi tổng đài.
Theo LS Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Grab đang triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách theo giấy phép của Bộ Công Thương. Theo đó, đơn vị này có thể làm việc với các doanh nghiệp, hãng taxi trên toàn quốc để ký kết hợp tác cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe cho các hãng taxi tại Việt Nam. Vì vậy việc cấm hay hạn chế hoạt động của Grab là không phù hợp. “Grab đang thực hiện một số công đoạn mà pháp luật hiện hành chưa quy định. Nên muốn quản Grab không thể điều chỉnh bằng nghị định mà phải sửa luật" - luật sư Đức nói.
Theo một chuyên gia giao thông, việc ra đời của các công ty công nghệ, đặc biệt là Grab đã mang lại nhiều lợi ích và người dân đón nhận. Điều này được thể hiện rõ khi thời gian qua một địa phương đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin thí điểm Grab. “Tôi nghĩ hiện nay còn rất nhiều người dân ở các địa phương muốn Grab đi vào hoạt động để cạnh tranh với taxi truyền thống nhằm mang lại một dịch vụ tốt và rẻ hơn, vì vậy nếu ai đó ra quyết định cấm đơn vị này phối hợp với các doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ là vi phạm quy định pháp luật” - vị này khẳng định.
Theo Viết Long/PLO

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN