Sau cú rót vốn ngàn tỷ từ Thaco, liệu Hùng Vương có sống dậy?

Ngày 9/1, một thương vụ bắt tay đình đám đã khai mào đầu năm 2020 là hai cái tên quen thuộc trong giới tài chính: CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG) và Công ty Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (công ty con của CTCP Ô tô Trường Hải - Thaco).

Ngay trước khi ký hợp tác này vài ngày, Thadi đã nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ lên 3.500 tỷ (31/12/2019).

Sau cu rot von ngan ty tu Thaco, lieu Hung Vuong co song day?
 Trường Hải hợp tác với Thaco

Chủ tịch Dương Ngọc Minh của Hùng Vương đã chủ động mời Chủ tịch Trần Bá Dương của Thaco vào hợp tác.

Theo đó, Thadi sẽ đầu tư vào HVG với tỷ lệ sở hữu 35% cổ phần. Đồng thời, Thadi cũng đầu tư 65% vào liên doanh Thadi – Hùng Vương trong lĩnh vực sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, triển khai tại An Giang, Bình Định.

Thaco cũng sẽ hỗ trợ Hùng Vương trong tái cấu trúc, chấn chỉnh lại chiến lược và giải quyết khó khăn tài chính trong thời gian tới. Thadi sẽ cử đại diện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc tài chính, chuyên gia kỹ thuật và hỗ trợ bán hàng cho Hùng Vương.

Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Hùng Vương cho biết, cách đây 3 năm, Hùng Vương phát triển mảng heo và được tập đoàn lớn đến từ Đan Mạch hỗ trợ chuyển giao công nghệ và con giống heo 5 sao.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hùng Vương chia sẻ thời gian qua công ty chìm trong khó khăn đến từ việc cơ chế đầu tư cho ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có, chi phí đầu tư nuôi heo chất lượng cao quá tốn kém (hơn 20 triệu đồng/m2 cho chuồng trại). Điều này khiến các ngân hàng ngần ngại trong việc đầu tư vốn cho Hùng Vương khiến mất rất nhiều cơ hội để thực hiện chiến lược nuôi heo.

Vingroup đã từng hỗ trợ nhưng Hùng Vương vẫn không gượng dậy nổi

Vào thời kỳ khó khăn nhất, hồi tháng 3/2018, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp Vineco, một công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC), đã nhận chuyển nhượng hơn 25 triệu cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ của CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (công ty con của Hùng Vương).

Ngoài cuộc "giải cứu" này, Hùng Vương cũng bán thêm các bất động sản với giá trị hàng trăm tỷ động, song Hùng Vương vẫn không thể kinh doanh khởi sắc mà áp lực nợ này càng cao.

Kết thúc niên độ 2018-2019, Hùng Vương vừa tiếp tục báo lỗ 496 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến 30/9/2019 lên tới con số 892 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.563 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9/2019, nợ phải trả của Hùng Vương tới hơn 7.214 tỷ đồng.

Trường Hải làm ăn ra sao mà liên tục đi "giải cứu"?

Về Thadi, ngoài việc hợp tác với Hùng Vương, chính Thadi cũng tự đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong ngoài nước.

Đây không phải là lần “giải cứu” một doanh nghiệp khác ngành của Thaco, mà hồi tháng 8/2019, Thaco thông qua Thadi đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp với việc hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Giá trị thương vụ đến hiện nay đã lên đến hơn 1 tỷ USD.

Hiện ông Trần Bá Dương và nhóm các công liên quan sở hữu 35% cổ phần tại công ty nông nghiệp HAGL Agrico. Thadi cũng nhận chuyển nhượng các khoản đầu tư tại Công ty cao su Đông Dương, Công ty TNHH Đông Pênh, công ty Cao su Trung Nguyên và công ty Bò sữa Tây Nguyên.

Ngoài ra, công ty Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (công ty bất động sản thuộc Thaco) cũng nhận chuyển nhượng 47,93% vốn điều lệ HAGL Land, đơn vị đầu tư phức hợp HAGL Myanmar Center.

Mặc dù cổ phiếu THA của Trường Hải đã giao dịch trên sàn OTC, song những thông tin về tài chính của đơn vị này được cập nhật khá trễ so với các doanh nghiệp khác.

Cụ thể, đến tháng 10/2019, Trường Hải mới chỉ công bố báo cáo tài chính 6 tháng 2019 với lợi nhuận sau thuế thu về chỉ 1.829 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Đây cũng chính là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất từ năm 2015 đến nay.

Sau cu rot von ngan ty tu Thaco, lieu Hung Vuong co song day?-Hinh-2
Một số chỉ tiêu tài chính giai đoạn 2015-2018 của Trường Hải

Chi tiết hơn nửa đầu năm 2019, Trường Hải ghi nhận 26.847 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với số thu cùng kỳ.

Hiệu quả kinh doanh của công ty kỳ này cũng sụt giảm khi biên lãi gộp đã giảm từ mức 19,7% 6 tháng đầu năm 2018 xuống còn 18,25% kỳ này.

Trái ngược đà giảm của doanh thu chính, hàng loạt chi phí trong kỳ này của Thaco lại đồng loạt tăng.

Trong đó, chi phí tài chính tăng gần gấp đôi lên mức 1.217 tỷ đồng (56% là chi phí lãi vay); chi phí bán hàng tăng 32%; và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8%.

Trong số các khoản chi phí tăng mạnh nhất vừa qua, chi phí lãi vay mà Thaco phải trả đã tăng gần 2,5 lần, lên tới 678 tỷ đồng trong 6 tháng.

Nguyên nhân khiến chi phí này tăng cao do công ty đã gia tăng hàng nghìn tỷ đồng vay nợ nửa năm qua. Trong đó, 2 khoản nợ có phát sinh lãi suất gồm vay ngắn hạn và vay dài hạn tăng tổng cộng 6.547 tỷ, hiện đạt trên 31.400 tỷ đồng.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN