Sau 2 phiên phục hồi, VN-Index có phá vỡ xu hướng downtrend?

Hiện VN-Index đã tiệm cận kênh kháng cự xu hướng downtrend kéo dài từ tháng 8/2022 tới nay. Với đà hồi phục mạnh mẽ như hiện tại có thể kỳ vọng sẽ phá vỡ xu hướng downtrend cũ và chuyển trạng thái sang vận động tích cực hơn.
Sắc xanh tiếp tục lan tỏa giúp cho VN-Index phục hồi lên 969.26 điểm trong phiên ngày 17/11. Thị trường có phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp với mức tăng yếu hơn phiên trước đó. Đồng thời thanh khoản trong phiên hôm qua cũng có sự suy giảm, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của 20 phiên gần nhất.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 26,36 điểm (+2,8%) lên 969,26 điểm, HNX-Index tăng 4,41 điểm (+2,4%) lên 187,86 điểm.
Theo Chứng khoán SHS, sau 2 phiên phục hồi mạnh mẽ, hiện VN-Index đã tiệm cận kênh kháng cự xu hướng downtrend kéo dài từ tháng 8/2022 tới nay, với đà hồi phục mạnh mẽ như hiện tại có thể kỳ vọng sẽ phá vỡ xu hướng downtrend cũ và chuyển trạng thái sang vận động tích cực hơn.
SHS cho rằng, với việc VN-Index chốt phiên ở mức 969.26 điểm thì chỉ số này vẫn đang dần vượt xa trên ngưỡng hỗ trợ kênh giá và tâm lý 900 điểm. Tuy nhiên, theo phân tích kỹ thuật VN-Index vẫn chưa phá vỡ đường kháng cự để thoát khỏi kênh downtrend dài nối các đỉnh giá cao nhất tháng 8, 9 và 11/2022 cho đến nay. Chốt phiên 17/11, VN-Index đã chạm ngưỡng kháng cự của kênh giá và với đà hồi phục đang diễn ra thì kỳ vọng thị trường chuyển trạng thái vận động tích cực hơn là hoàn toàn có cơ sở (và VN30 cũng có xu hướng vận động tương tự).
Xét ở góc độ trung hạn, từ tháng 8/2022 đến nay thị trường đã downtrend khá sâu và hiện tại điểm số VN-Index đã về vùng điểm số tương đương thời điểm trước đại dịch COVID (là giai đoạn thị trường tích lũy cạn kiệt tin cậy trước con sóng lớn trong giai đoạn 2020-2022) và vùng điểm số hiện tại 900 - 1000 có thể đem lại hy vọng thị trường sẽ ngừng đà rơi và bắt đầu chu kỳ tích lũy trở lại sau giai đoạn phân phối và downtrend vừa qua.
Một số tín hiệu khác cũng khá tích cực trong những phiên gần đây là sự trở lại mua ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, nhiều cổ phiếu trụ cột như VCB, BID, VIC, GAS... đã bắt đầu có những biến động tích cực hơn so với thị trường. Điều này phát ra tín hiệu sớm rằng các cổ phiếu đầu ngành có thể tích lũy lại và chuyển sang giai đoạn tăng giá tiếp theo sớm hơn thị trường và xu hướng đó sẽ lan tỏa dần ra các cổ phiếu khác để giúp thị trường bước vào tích lũy và hồi phục.
Mặc dù giai đoạn hiện tại VN-Index vẫn đang trong kênh downtrend và tiếp tục sẽ có những biến động mạnh nhưng SHS kỳ vọng biên độ giao động của thị trường dần sẽ hẹp và chặt chẽ trở lại trong thời gian tới để tích lũy cho một chu kỳ hồi phục mới.
Giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn thị trường có những biến động mạnh (rơi sâu và có những đợt hồi phục mạnh), thị trường có thể cần trải qua những giai đoạn cân bằng dần (giao động với biên độ ngày càng hẹp dần trong đó giai đoạn đầu sẽ hồi phục mạnh nhưng cũng điều chỉnh sâu và biên độ các đợt hồi phục sau đo sẽ hẹp dần với khối lượng giao dịch thấp) trước khi bước vào giai đoạn tăng giá mới.
Do đó, SHS khuyến nghị nhà đầu tư cũng không nên tham gia vào thị trường với tỷ trọng lớn trong giai đoạn này và tránh mua đuổi theo hưng phấn trong các phiên tăng bởi giai đoạn phục hồi ban đầu có thể dẫn tới giai đoạn điều chỉnh sớm ngay sau đó.
Đối với danh mục dài hạn, SHS cho rằng nhà đầu tư nên kiên nhẫn tiếp tục nắm giữ bởi thị trường đã bắt đầu phát ra những tín hiệu hồi phục tích cực, nếu mua mới cổ phiếu nên lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng hoặc các cổ phiếu đầu ngành và đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ hơn thị trường chung.
Sau 2 phien phuc hoi, VN-Index co pha vo xu huong downtrend?
 Nhà đầu tư ngắn hạn không tiếp tục mua đuổi cổ phiếu
Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhìn nhận theo quan điểm kỹ thuật rằng VN-Index khối lượng giao dịch vẫn trên ngưỡng bình quân 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn ở lại thị trường. Không những vậy, chỉ số duy trì đóng cửa trên MA5 và đường MA5 đang hướng lên trở lại, cùng với đường RSI cũng đang đi từ vùng quá bán dưới 30 lên vùng 41, cho thấy đà hồi phục đang mạnh lên, và nhịp tăng hiện tại có thể còn tiếp diễn.
Tuy nhiên, chỉ số vẫn chưa thoát khỏi sức ép của MA20, cùng với đường ADX nằm trên vùng 52 và đường –DI nằm trên +DI, cho thấy xu hướng chính vẫn là giảm điểm.
Do đó, nhịp tăng hiện tại có thể chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật do trạng thái quá bán ngắn hạn tạo ra, với ngưỡng tâm lý 1.000 điểm là kháng cự mạnh của đợt hồi hiện tại.
Nhìn chung, thị trường vẫn nằm trong đợt hồi phục kỹ thuật. Do đó, PHS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện các vị thế mua lướt sóng với tỷ trọng nhỏ trên các cổ phiếu cơ bản tốt đang ở trạng thái quá bán mạnh.
Tương tự, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra góc nhìn kỹ thuật rằng mẫu hình Rising window xuất hiện cho thấy tâm lý lạc quan đang trở lại trong ngắn hạn. Với diễn biến hiện tại, VN Index vẫn sẽ tiếp nối đà phục hồi để quay lại bám sát đường MA 20 quanh khu vực 980, và đây cũng sẽ là ngưỡng cản tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tại khung đồ thị giờ, chỉ báo RSI hướng lên nhanh và đang ở vùng cao nên áp lực chốt lời T+ là hoàn toàn có thể xảy ra.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn không tiếp tục mua đuổi cổ phiếu, tận dụng những phiên tăng điểm tốt để lướt sóng T+, hiện thực hóa lợi nhuận cổ phiếu đã bắt đáy nếu lực bán bất ngờ xuất hiện. 
Còn Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo trong phiên hôm nay 18/11, thị trường có thể sẽ rung lắc mạnh khi lượng cổ phiếu bắt đáy phiên 16/11 sẽ về tài khoản nhà đầu tư trong phiên chiều.
Nhiều khả năng VN-Index sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm để kiểm định lại hỗ trợ MA10 ngày tại 960 điểm vừa vượt qua. Nếu lực bán không mạnh và được đối trọng bởi lực mua tốt, giúp VN-Index đóng cửa trên MA10, đà hồi phục của chỉ số sẽ được củng cố.
Khi đó, VN-Index có thể sẽ tăng với các kháng cự lần lượt tại vùng 985 điểm (MA10), 1035 điểm và 1065 điểm (MA50). Ngược lại, nếu lực bán trong phiên ngày mai đủ mạnh để áp đảo lực cầu, khiến VN-Index đóng cửa dưới mốc 960 điểm với thanh khoản mạnh, nhiều khả năng nhịp hồi phục sẽ sớm kết thúc. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN