CJ CGV, đơn vị thành viên của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) được cho là đang tiến gần đến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thu về hàng tỉ USD, theo tờ Pulse của Hàn Quốc.
Ngay từ phiên đấu giá tiền IPO, cổ phiếu CJ CGV đã nóng hơn bao giờ hết khi thu hút sự chú ý của các "gã khổng lồ" đầu tư vốn tư nhân như KKR & Co., Goldman Sachs và hai quỹ đầu tư Hàn Quốc là MBK Partners và Mirae Asset Daewoo. Kết quả MBK Partners là đơn vị đưa ra mức giá cao nhất.
CJ CGV đã tiến hành đàm phán với MBK Partners, quỹ đầu tư vốn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc. Quỹ này sẽ được quyền ưu tiên mua cổ phần CJ CGV trong giai đoạn tiền IPO. HSBC là đơn vị cố vấn cho MBK Partners trong thương vụ này.
|
Hệ thống rạp chiếu phim CGV |
CJ CGV đưa ra đề nghị từ 20 - 30% cổ phần công ty, doanh nghiệp đang quản lý hệ thống rạp chiếu phim tại Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia... được định giá khoảng 1,25 tỉ USD. Sau khi IPO, CJ CGV cam kết sẽ niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (SPC).
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc bán cổ phần ra công chúng sẽ giảm bớt đáng kể gánh nặng tài chính của CJ CGV thời điểm hiện tại.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng Hàn Quốc đưa mức xếp hạng A+ đối với CJ CGV nhưng với triển vọng tiêu cực trong dài hạn, điều này cho thấy mức xếp hạng có thể bị hạ xuống nếu công ty không cơ cấu lại khoản nợ lớn.
Bên cạnh thị trường nội địa, CJ CGV hiện đang vận hành hệ thống rạp chiếu phim tại 4 quốc gia khác trên thế giới gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Việt Nam.
Quý II năm nay, công ty đạt doanh thu toàn hệ thống 482 tỉ Won (400 triệu USD), tăng trưởng 19%; biên EBITDA đạt mức gần 26%. Tuy nhiên, chi phí tài chính lớn khiến CJ CGV lỗ ròng gần 10 tỉ Won (8,3 triệu USD).
Hàn Quốc, Việt Nam và Indonesia là ba thị trường đem về mức lợi nhuận khả quan cho CJ CGV, trong đó hai quốc gia Đông Nam Á đang tăng trưởng 30% - 40%. Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai về độ lớn và đang có dấu hiệu hồi phục, trong khi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đang thua lỗ.