Black Friday hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu Đen" được ấn định vào Thứ Sáu ngay sau ngày Lễ Tạ Ơn, một ngày lễ hàng năm được tổ chức ở các nước phương Tây, chủ yếu tại Mỹ và Canada.
Vì Lễ Tạ Ơn rơi vào ngày Thứ Năm tuần thứ 4 trong tháng 11, nên Black Friday sẽ rơi vào ngày Thứ Sáu tuần thứ 4 trong tháng 11. Năm nay, ngày Black Friday rơi vào ngày 27/11.
Tại Việt Nam, Black Friday bắt đầu thu hút người tiêu dùng Việt Nam từ năm 2013. Trong khoảng thời gian này nhiều doanh nghiệp, quán hàng, trang thương mại điện tử cũng bắt đầu có những chương trình khuyến mãi nhân ngày Black Friday. Tuy nhiên, những chương trình giảm giá này chủ yếu là tùy hứng theo trào lưu.
Không chỉ trên thị trường hàng hoá mà trên thị trường chứng khoán, cũng có một số doanh nghiệp đang bán rẻ cổ phiếu của chính mình, nguyên nhân do bị thị trường định giá thấp.
Cổ phiếu rẻ trong bài hàm ý là cổ phiếu có thị giá thấp hơn so với giá trị sổ sách. Theo thống kê chọn lọc từ gần 1.700 doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn chứng khoán, có đến hơn 600 cổ phiếu đang bị định giá rẻ, tuy nhiên bài viết chỉ đưa ra một số cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư săn đón trong thời gian gần đây.
Với nhóm ngành vua - ngành ngân hàng, một cổ phiếu đang bị định giá rẻ đó là MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank). Giá chốt phiên 26/11 của MBB ở mức 19.500 đồng/cp, thấp hơn giá trị sổ sách hiện ở mức gần 22.800 đồng/cp (tính theo khối lượng cổ phiếu niêm yết hiện tại và giá trị sổ sách tại thời điểm cuối tháng 9/2020).
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), sau kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 1/2020, sang quý 2/2020, MBB đã cho thấy sự cải thiện với lợi nhuận sau thuế tăng 19,2%.
Luỹ kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần của MBB vẫn tăng hơn 10% lên 14.484 tỷ đồng. Các hoạt động khác cũng đều khả quan. Tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vẫn tăng hơn 14% khi chiếm 4.193 tỷ đồng.
Dù vậy, sau cùng nhà băng này vẫn đạt 8.134 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 6.596 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 7% so cùng kỳ.
HSC dự báo năm 2020, lợi nhuận sau thuế của MBB sẽ đạt 7.768 tỷ đồng, giảm 0,7% so với năm 2019.
Năm 2021, lợi nhuận sau thuế dự báo sẽ phục hồi với mức tăng 23,5%, lên 9.595 tỷ đồng. Năm 2022, con số lợi nhuận có thể đạt 12.397 tỷ đồng, tăng trưởng 29,2%.
HSC tin rằng sau khi dịch COVID-19 qua đi, MBB sẽ hồi phục mạnh hơn các ngân hàng khác nhờ nền tảng căn bản vững chắc và chính sách quản trị rủi ro chủ động.
HSC cũng đánh giá, MBB khá chủ động trong quản trị rủi ro, nhanh chóng xóa nợ xấu và thận trọng trong chính sách trích lập dự phòng.
Bên cạnh đó, sự “dễ tổn thương” trong hoạt động của công ty tài chính MCredit đã được xử lý hiệu quả và chi phí tín dụng dự kiến sẽ ổn định ở mức 12-15% trong quý tới.
Ngoài ra, mảng bảo hiểm nói chung và bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) cũng đầy hứa hẹn với đà tăng trưởng mạnh mẽ của công ty con MB Ageas Life.
HSC duy trì đánh giá mua đối với cổ phiếu MBB với giá mục tiêu 25.500 đồng/cp.
Tiếp theo là CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM. Giá chốt phiên 26/11 của CII ở mức 17.400 đồng/cp, thấp hơn giá trị sổ sách hiện ở mức gần 34.300 đồng/cp.
Trong báo cáo cập nhật gần nhất, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì khuyến nghị mua dành CII và duy trì giá mục tiêu 24.900 đồng/cp.
VCSC ước đoán thời điểm bàn giao của dự án 152 Điện Biên Phủ và D’verano (Lakeview 3) sẽ bắt đầu trong năm 2021, trong khi đó, dự án Diamond Riverside và dự án Sơn Tịnh ước định sẽ bàn giao trong năm 2020-2021.
Ngoài ra, VCSC cho biết thời gian bắt đầu thực hiện thu phí dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội sẽ bắt đầu từ tháng 11/2020.
Trong năm 2020, VCSC dự báo doanh thu của CII sẽ đạt 5.200 tỷ đồng (tăng trưởng 190%) và lợi nhuận sau thuế đạt 535 tỷ đồng (tăng trưởng 173%).
Các kết quả tích cực này chủ yếu được dẫn dắt bởi kỳ vọng bàn giao các dự án bất động sản trong 6 tháng cuối năm 2020 và lãi tài chính từ chuyển nhượng cổ phần trong dự án Riverpark giai đoạn 1 (phần lớn khoản lãi đã được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2020).
VCSC dự báo CII sẽ đạt tăng trưởng 9,5% lợi nhuận sau thuế trong 2021, lên 585 tỷ đồng, chủ yếu đến từ đóng góp cả năm của dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội. Đồng thời tiếp tục kỳ vọng CII sẽ hưởng lợi từ dòng tiền ổn định đến từ các dự án BOT trong khi ghi nhận tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận từ các dự án bất động sản nhà ở.
Rủi ro đối với triển vọng cổ phiếu CII đến từ khả năng các dự án bị trì hoãn; cùng với đó, tiếp tục trì hoãn thanh toán cổ tức nhằm tài trợ vốn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.
|
Nguồn: VietstockFinance. |
Trong nhóm ngành xây dựng, 2 cổ phiếu DXG của Đất Xanh và HBC của Hoà Bình đang được định giá rẻ hơn so với thực lực của cổ phiếu này.
Mới đây, VCSC tăng giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) thêm 7% đạt 15.000 đồng/cp chủ yếu do (1) ghi nhận thêm 2 dự án tại Bình Dương – Opal Skyline và Opal Cityview – và (2) tỷ lệ WACC thấp hơn do giả định chi phí vốn chủ sở hữu thấp hơn.
VCSC cũng tăng dự báo tổng giá trị hợp đồng bán hàng năm 2020 lên 5,9 nghìn tỷ đồng (+51% YoY) từ con số dự phóng trước đây là 2,9 nghìn tỷ đồng (-26% YoY) do tiến độ bán hàng nhanh hơn dự kiến tại dự án Opal Skyline (tổng dự án bao gồm 1.500 căn hộ trung cấp, mở bán vào quý 3/2020 với tỷ lệ hấp thụ 95%).
Với ông lớn Hoà Bình, trong 9 tháng đầu năm, HBC đạt 8.046 tỷ đồng doanh thu và 63 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, các chỉ số này lần lượt giảm 41% và 74% so với cùng kỳ. Về nguồn vốn, nợ vay tài chính của HBC giảm nhẹ so với đầu kỳ từ 4.961 tỷ đồng còn 4.887 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay đang gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu.
Một số cổ phiếu khác cũng ở trong danh sách đáng để mua vì định giá rẻ như DCM của Đạm Cà Mau, LTG của Lộc Trời, NKG của Thép Nam Kim, PGS của Kinh doanh Khí Miền Nam, POM của Thép Pomina, PVD của Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí,….