Rầm rộ với kế hoạch lên sàn, Bamboo Airways có theo chân những người anh em giá bằng ly trà đá?

Chỉ sau vài tháng chính thức bay, ông chủ của Bamboo Airways đã liên tục đưa ra những kế hoạch khả quan như chiếm 30% thị phần, huy động vốn qua IPO khoảng 100 triệu USD, và đặt chân lên sàn chứng khoán với giá từ 50-60.000 đồng/cổ phiếu.

Tiền lệ những đứa con của FLC cũng từng ghi dấu ấn lên sàn rầm rộ rồi giá cổ phiếu được đẩy lên vài trăm ngàn, nhưng chỉ sau một thời gian, cổ phiếu chỉ còn ở mức ly trà đá hay vài chục ngàn đồng.

Rầm rộ kế hoạch IPO và niêm yết khả quan

Sáng 14/10, nhiều trang báo dẫn tin Bloomberg cho rằng, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải tiết lộ kế hoạch niêm yết 400 triệu cổ phiếu lên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM  hoặc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, sớm nhất có thể vào tháng 1/2020.

Ông Hải cho biết thêm, Bamboo Airways dự kiến xác định giá khởi điểm trong phiên giao dịch đầu tiên trong khoảng 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá và số cổ phiếu như trên, Bamboo Airways dự tính có vốn hóa 20.000 - 24.000 tỷ đồng, tức khoảng 1 tỷ USD.

Trước đó, vào tháng 9, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Bamboo Airways cho biết hãng bay này kỳ vọng huy động 100 triệu USD từ đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới, mục tiêu chiếm 30% thị phần hàng không Việt Nam.

Tham vọng của Bamboo Airways là vậy, trong khi "ông lớn" lâu năm như Vietnam Airlines chỉ đang giao dịch quanh mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 14/10, tương ứng vốn hóa 49.782 tỷ đồng.

Cao hơn cả là Vietjet (VJC) đang giao dịch trên HoSE quanh vùng giá 140.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức vốn hóa 73.023 tỷ đồng.

Ram ro voi ke hoach len san, Bamboo Airways co theo chan nhung nguoi anh em gia bang ly tra da?
 

Bamboo Airways có đủ tiêu chuẩn để sớm đặt chân lên sàn chứng khoán?

Vậy Bamboo Airways dựa vào đâu để đưa ra mức giá đó, cũng như liệu doanh nghiệp này đã đáp ứng đủ điều kiện để lên sàn chứng khoán hay chưa?

Theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, để đáp ứng điều kiện niêm yết trên HoSE và HNX, doanh nghiệp cần đạt được các tiêu về vốn điều lệ, thời gian, hiệu quả hoạt động, công bố thông tin và cổ đông… Đặc biệt là điều kiện để được niêm yết trên HoSE khắt khe hơn nhiều so với HNX.

Cụ thể, doanh nghiệp đăng ký niêm yết trên HoSE cần phải có vốn điều lệ tối thiểu đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán là 120 tỷ đồng, cao hơn so với mức 30 tỷ đồng trên HNX.

Về thời gian hoạt động, doanh nghiệp phải có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần trước thời điểm đăng ký niêm yết niêm yết trên HoSE trong khi trên HNX cần một năm.

Đối với các tiêu chí hiệu quả hoạt động, HoSE quy định doanh nghiệp niêm yết phải có hoạt động kinh doanh hai năm liền trước có lãi, nhiều hơn một năm so với HNX yêu cầu.

Các tiêu chí khác về hiệu quả hoạt động của hai sàn đều giống nhau, bao gồm tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu 5%, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, hai sàn cũng có chung quy định về hạn chế chuyển nhượng với người nội bộ. Cụ thể, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban giám đốc, Kế toán trưởng, cổ đông lớn là người có liên quan phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo.

Về cơ cấu cổ đông, HoSE yêu cầu doanh nghiệp phải có tối thiểu 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Đối với HNX, tiêu chuẩn này là tối thiểu 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 15% số cổ phần.

Đặc biệt, HoSE có tiêu chuẩn niêm yết cao hơn về việc công bố thông tin. Theo đó, doanh nghiệp phải công khai mọi khoản nợ đối với công ty của người nội bộ, cổ đông lớn và những người có liên quan.

Chiếu theo những điều kiện này với trường hợp của Bamboo Airways liệu có dễ dàng để lên sàn chứng khoán?

Thứ nhất về vốn điều lệ, Bamboo Airways dư sức đáp ứng với con số 1.300 tỷ đồng và dự kiến sẽ được FLC bơm thêm tiền để tăng lên 2.000 tỷ đồng.

Thứ hai về năm hoạt động, Bamboo Airways được thành lập vào năm 2017, như vậy tính đến đầu năm 2020 thì doanh nghiệp này cũng đáp ứng được điều kiện hoạt động công ty cổ phần tối thiểu 2 năm.

Thứ ba, vấn đề hiệu quả hoạt động có lẽ là bài toán khó nhất với hai năm liền kề phải có lãi. Vậy tình hình hiện nay của Bamboo Airways như thế nào?

Theo số liệu từ Tổng cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bamboo Airways đã nắm giữ 4,2% thị phần vận tải hàng không trong nước. Dù vậy, theo thông tin của Bộ Tài chính, tính đến 30/4, tức chỉ sau khoảng 3 tháng bay, Bamboo Airways đã chịu lỗ 329 tỷ đồng.

Trong khi đó, với tổng nguồn vốn 2.200 tỷ đồng nhưng khoản phải thu về trả cho vay ngắn hạn tại thời điểm 30/4 lên tới hơn 1.062 tỷ đồng.

Như vậy, liệu khi công bố số liệu thực tế hoạt động kinh doanh năm 2018 và 2019 của Bamboo Airways có đáp ứng được điều kiện là phải có lãi mới lên được sàn HoSE?

Chưa kể các chỉ tiêu khác như ROE năm gần nhất phải từ 5% trở lên, không có nợ quá hạn trên một năm, không có lỗ lũy kế…

Có thành những “bom xịt” khiến nhà đầu tư phiền lòng?

Tiền lệ Tập đoàn FLC và những công ty có liên quan như ROS, KLF, HAI, ART, GAB lên sàn ban đầu rất rầm rộ với giá ngất ngưởng, nhưng sau thời gian thì cổ phiếu làm phiền lòng nhà đầu tư.

Nổi bật nhất trong số những “người anh em” này là CTCP Xây dựng FLC Faros (HoSE: ROS), có thời điểm cổ phiếu được đẩy lên tới hơn 225.000 đồng/cổ phiếu, song đến nay tính theo giá điều chỉnh thì đóng cửa phiên ngày 14/10 rớt thảm xuống 25.750 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá cao nhất trong số các mã còn lại như CTCP Tập đoàn FLC (FLC) hiện chỉ quanh mốc ly trà đá với 3.550 đồng/cổ phiếu. Hay CTCP Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CTS (KLF) cùng nằm tại 1.300 đồng/cổ phiếu. CTCP Nông dược HAI (HAI) với giá 1.690 đồng/cổ phiếu.

Chứng khoán BOS (ART) cũng chỉ có giá 2.000 đồng/cổ phiếu. CTCP Đầu tư và khoáng sản FLC Stone (AMD) với giá 1.540 đồng/cổ phiếu. Nhỉnh hơn trong số này có CTCP GAB (GAB) với 11.300 đồng/cổ phiếu.

Đây đều là những cổ phiếu có biến động giá rất lớn trên sàn, chỉ sau một thời gian ngắn đã tăng giá gấp từ 8 - 20 lần giá chào sàn ban đầu, trở thành những cổ phiếu “siêu đầu cơ” được nhiều nhà đầu tư giao dịch. Tuy nhiên, bức tranh sự thật hiện tại mới làm đau lòng nhà đầu tư.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN

NAD
Theo pháp luật chứng khoán Việt Nam, việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được quy định tại Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nghị định 58/2012/NĐ-CP, Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP, Thông tư 162/2015/NĐ-CP hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu và một số văn bản liên quan. Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng: Về vốn điều lệ: Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; Về tình hình kinh doanh: Năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán; Về phương án phát hành và sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán: đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.