Cho đến thời điểm này, quy mô danh mục của Quỹ chỉ còn 38,5 triệu USD, giảm 83% so với đầu năm 2018. Sở dĩ danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund ngày càng thu hẹp do hoạt động kém hiệu quả và dòng tiền rút mạnh khỏi quỹ.
Đáng chủ ý, FPT hiện là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Tundra Vietnam Fund với 8,6%. Trong khi đó, ngân hàng với tiêu biểu là VCB là cổ phiếu sinh lời lớn nhất trong danh mục quỹ với 15,7%.
Theo ông Nguyễn Hải- Nhà đầu tư MBS, chỉ tính riêng tháng 1, Quỹ đã âm gần 11% khi cổ phiếu FPT giảm mạnh, khiến hàng tỷ USD bị "bốc hơi" theo cổ phiếu này bất chấp tình hình kinh doanh của FPT có lãi.
Thời gian vừa qua, cổ phiếu FPT biến động mạnh từ vùng giá trên 60.000đ/cp xuống tới 50.000đ/cp. Với sự biến động mạnh như vậy thì Quỹ cũng như nhà đầu tư nhỏ lẻ nếu không chốt sớm sẽ lỗ là chuyện bình thường…
Cổ phiếu FPT chiếm khối lượng lớn trong danh mục đầu tư của Quỹ Tundra Vietnam
Mới đây, FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 2019 với doanh thu hợp nhất đạt 27.717 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2018, vượt 4% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 4.665 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 3.135 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 4.220 đồng, tăng 19,0%.
Với chiến lược chuyển đổi số, năm 2020, FPT kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận tích cực của năm 2019, trong đó khối công nghệ là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn này.
Trong năm 2020, Công ty chứng khoán EVEREST dự báo doanh thu thuần của FPT đạt 32.509 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.643 tỷ đồng. Phần mềm xuất khẩu và dịch vụ viễn thông tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của FPT. EVEREST kỳ vọng doanh thu của 2 mảng này sẽ đạt mức tăng trưởng kép 23% và 13% trong giai đoạn 2020 – 2023 nhờ nhu cầu nội địa ổn định và lợi thế về chi phí nhân công so với các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ.
Biên lợi nhuận gộp của FPT dự kiến sẽ được cải thiện nhờ gia tăng tỷ trọng mảng chuyển đổi số, trong đó dịch vụ chuyển đổi số và hỗ trợ khách hàng có biên lợi nhuận 50%, còn sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số có biên lợi nhuận gần 70%...
Mặc dù vậy, sự thay đổi chóng mặt của thị trường công nghệ cũng khiến FPT gặp một số khó khăn, thách thức trong mảng cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin về phần cứng. Theo đó, các dịch vụ cung cấp giải pháp phần cứng thuộc mảng tích hợp hệ thống sẽ càng ngày càng giảm sút.
Trong khi đó, FPT Telecom cải tiến dịch vụ cho thuê máy chủ ảo thành HI GIO Cloud và cung cấp thêm các dịch vụ giải pháp đám mây cho Microsoft cho thấy một nỗ lực cải thiện doanh thu ở mảng này. Tuy nhiên, so với một sản phẩm giải pháp hệ thống toàn diện hơn cho nền tảng đám mây như platform C.Ope2n của CMC, các giải pháp của FPT mới chỉ hướng đến một quy trình hoặc vấn đề cụ thể của doanh nghiệp. Hơn nữa, nhu cầu về các mảng dịch vụ này trong nước hiện tại còn chưa nhiều, nên chưa đem lại doanh thu đáng kể cho FPT.
Đặc biệt, về mảng xuất khẩu phần mềm, FPT Software gần như không có đối thủ trong nước, nhưng lại gặp phải cạnh tranh lớn đến từ các tập đoàn công nghệ của Ấn Độ, Trung Quốc...
Nhiều chuyên gia cho rằng, cổ phiếu FPT đã dao động mạnh ở vùng đỉnh, nếu xác định đầu tư dài hạn sẽ còn cơ hội sinh lời, nhưng với nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng. Bởi nếu trở về vùng đỉnh cũ, cổ phiếu FPT cần có quá trình tích lũy thêm.