Quốc Cường Gia Lai làm ăn ra sao trước khi dính "lùm xùm" Phước Kiển?

 Quốc Cường Gia Lai (QCG) từng là “trùm” trong lĩnh vực BĐS, có nhiều vị trí đắc địa tại TP HCM và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Gia Lai... Nhưng giờ đây, doanh nghiệp này thậm chí phải bán cả dự án tâm huyết nhất để trả nợ.
Liên quan đến mua bán đất công tại dự án Phước Kiển, hiện dư luận đang rất quan tâm đến "sức khỏe" Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) - chủ đầu tư của dự án này.
Theo tìm hiểu, QCG được bắt đầu thành lập năm 1994 với tên Xí nghiệp Tư doanh (XNTD) Quốc Cường với lĩnh vực kinh doanh chính là: khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê, xuất nhập khẩu phân bón với hơn 500 lao động.
Ngày 21/03/2007, chính thức chuyển đổi thành CTCP Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng theo Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh số 3903000116 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cấp.
 Doanh nghiệp nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla). Ảnh: Zing.
Bán cả dự án tâm huyết...
Theo Zing, năm 2016, công ty Quốc Cường Gia Lai vướng vào vòng xoáy của nợ nần với hàng nghìn tỷ đồng nợ đến hạn bủa vây. Tính đến cuối năm 2016, Quốc Cường Gia Lai có khoản nợ phải trả lên tới hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, gần 1.900 tỷ là nợ vay tài chính và hơn 1.788 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Nếu đặt trong tương quan với kết quả kinh doanh của Công ty thì Quốc Cường Gia Lai đang gặp khó khăn thật sự với khoản nợ này.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm đáy, có thời điểm chỉ ngang cốc trà đá 3.000 đồng/cổ phiếu. Hàng tồn kho là các dự án bất động sản triển khai dở dang của công ty lên tới hơn 6.800 tỷ đồng, chiếm 77% tổng tài sản. Năm 2016, Quốc Cường Gia Lai cũng đã phải chi tới gần 70 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi ngân hàng.
Không được chủ nợ tái cơ cấu, Quốc Cường Gia Lai buộc phải chuyển nhượng dự án tâm huyết của mình là dự án Phước Kiển để có dòng tiền trả nợ. Tuy nhên, đến thời điểm hiện tại, thương vụ chuyển nhượng dự án Phước Kiển của QCG vẫn chưa hoàn tất.
Thế nhưng theo Diễn đàn Doanh nghiệp, trong báo cáo của QCG trước đó, doanh nghiệp này đã nhận 50 triệu USD tiền tạm ứng từ CTCP Đầu tư Sunny Land. Sunny Land sẽ nhận được mặt bằng sạch của dự án này trong năm 2017, nếu không sẽ phải bồi thường 25 triệu USD.
Ngay khi có khoản tiền cọc từ đối tác, Quốc Cường Gia Lai đã tất toán khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng cả gốc và lãi vay với BIDV cùng nhiều chủ nợ, qua đó giải tỏa gần như toàn bộ áp lực nợ vay. Chính điều này đã giúp cổ phiếu QCG tạo sóng trên sàn chứng khoán vào giữa năm 2017. Có thời điểm, cổ phiếu QCG gần cán mốc 30.000 đồng/cổ phiếu, gấp 10 lần so với đầu năm.
Trong khi đó, riêng quý IV/2017, Quốc Cường chỉ đạt gần 131 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 82% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty lại tăng kỷ lục đạt gần 38 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt vỏn vẹn 1 tỷ. Khoản này tăng mạnh chủ yếu đến từ khoản lãi thanh lý các khoản đầu tư.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV năm vừa qua của doanh nghiệp chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 130 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2016 (đạt 737 tỷ đồng), tỷ lệ sụt giảm doanh thu trên 80%.
Khác với mọi năm khi doanh thu bất động sản là nguồn thu chính thì đến quý IV/2017, hoạt động này chỉ mang về cho công ty 3,7 tỷ đồng (cùng kỳ mang về 652 tỷ). Đóng góp chính vào doanh thu kỳ vừa qua là bán hàng hóa đạt 102 tỷ; doanh thu bán điện cũng mang về gần 25 tỷ đồng.
Theo lý giải từ Quốc Cường Gia Lai, doanh thu trong kỳ giảm mạnh do một số dự án bất động sản mới vẫn đang trong quá trình xây dựng chưa đến giai đoạn bàn giao cho khách hàng nên không phát sinh doanh thu. Một số dự án kế hoạch bàn giao vào cuối năm 2017 nhưng bị di dời thời điểm bàn giao dẫn đến một phần doanh thu chưa được ghi nhận.
...Vẫn đối mặt với khối nợ lớn
Bên cạnh đó, theo Zing, tính cả năm 2017, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 816 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần một nửa so với năm trước. Tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp thu về vẫn tăng 50% đạt gần 121 tỷ. Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 4 lần đạt 442 tỷ đồng.
Năm 2017, Quốc Cường đã tất toán nhiều khoản nợ vay, đặc biệt là hơn 1.300 tỷ đồng tại BIDV nên số tiền lãi công ty phải trả đã giảm mạnh. Tổng chi phí tài chính của công ty đã giảm gần 5 lần chỉ ở mức 22,3 tỷ đồng.
Tính cả năm 2017, đại gia phố núi này thu về hơn 540 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, gấp 12 lần năm trước. Sau khi trừ thuế và các chi phí liên quan, công ty lãi ròng 424 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần. Đây cũng là mức lãi kỷ lục trong hơn một thập kỷ qua của Quốc Cường Gia Lai.
Tuy nhiên, QCG đã lên kế hoạch doanh thu thuần 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 720 tỷ đồng. Do vậy, dù có được mức tăng nhảy vọt song doanh nghiệp này vẫn “lỡ hẹn” với kế hoạch lợi nhuận đề ra. Trước đó, Quốc Cường Gia Lai đã có 6 năm liên tiếp không hoàn thành mục tiêu.
Ngoài ra, theo Diễn đàn Doanh nghiệp, Công ty Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và con trai Nguyễn Quốc Cường (hay được gọi là Cường Đô la) vẫn đang đối mặt với khối nợ rất lớn, cả ngắn hạn và dài hạn.
Tính đến cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của QCG khoảng 7.412 tỷ đồng, tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với đầu kỳ (tương đương 76%) và bằng 64% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 6.747 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 664 tỷ đồng.
Hồng Liên

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN