VN-Index chốt phiên 9/3 giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm. Toàn sàn có đến 368 mã giảm, trong đó có 173 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 34 mã tăng và 14 mã đứng giá.
Mức giảm của VN-Index trong phiên 9/3 là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 18 năm qua kể từ ngày 3/10/2001 (-6,45%). Phiên này vượt qua mức giảm của phiên 8/5/2014 (-5,87%). Chỉ số VN30-Index giảm 53,12 điểm (-6,35%) xuống mức 782,85 điểm.
Thê thảm hơn, chỉ số VN30 của nhóm cổ phiếu công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất nước có đến 23 mã giảm sàn.
Trong đó hầu hết các mã vốn hóa lớn đều giảm hết biên độ như VNM, VHM, VIC, BID, CTG, GAS, CTG…, ngoại trừ một số mã chỉ chìm trong sắc đỏ không ngăn được đà giảm sâu như VJC, SBT, SAB, REE, NVL, MSN, EIB. Đây là nhân tố chính khiến thị trường lao dốc mạnh.
|
Kết phiên 9/3, cả thị trường "nằm sàn". Nguồn: VietstockFinance. |
HNX-Index giảm 7,32 điểm (-6,43%) xuống 106,34 điểm. Toàn sàn có 148 mã giảm (61 mã giảm sàn), 29 mã tăng và 32 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index đã "đánh bại" mức giảm 6,4% của phiên 8/5/2014.
Trước đó, phiên 8/5/2014 này đã phá bỏ được kỷ lục của phiên ngày 21/2/2013 - khi mà tin đồn “bắt bớ” lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng BIDV đã khiến chỉ số HNX-Index giảm hơn 5,3%, lớn hơn cả mức giảm 5,24% vào ngày bầu Kiên bị bắt.
Trên sàn HNX, 2 cổ phiếu có sức ảnh hướng lớn nhất đến HNX-Index là ACB và SHB cũng đều lao dốc. ACB giảm đến 7,9% xuống 23.300 đồng/cp, SHB giảm sàn xuống 11.200 đồng/cp và khớp lệnh chỉ 4,4 triệu cổ phiếu.
Đối với sàn UPCoM, chỉ số giảm 5,37% về còn 52,44 điểm. Trong đó, những mã ảnh hưởng nhiều nhất là ACV, VGI, VEA, BCM và BSR.
Như vậy, tính chung cả thị trường, giá trị vốn hoá đã bay hơi mất hơn 13,2 tỷ USD chỉ trong phiên 9/3.