Mặc dù doanh thu thuần 9 tháng của Vinafood 2 đạt hơn 12.824 tỷ đồng nhưng giá vốn cũng chiếm tới 11.647 tỷ đồng. Do đó, Vinafood 2 đạt 1.177 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Trong khi doanh thu tài chính không đáng kể chỉ gần 55 tỷ đồng thì chi phí tài chính chiếm gần 190 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay.
Thêm vào đó, chi phí bán hàng cũng ngốn tới 852 tỷ đồng, chi phí quản lý 293 tỷ đồng. Các loại chi phí quá cao khiến lợi nhuận sau thuế mà Vinafood 2 đạt được là con số âm hơn 74 tỷ đồng.
Theo Vinafood 2, hoạt động kinh doanh thua lỗ do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm trầm lắng và tiêu thụ nội địa cũng chậm, nhu cầu rất yếu, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất.
Với mức lỗ hơn 73 tỷ đồng trong 9 tháng qua, lỗ lũy kế của Vinafood 2 nâng lên mức gần 2,043 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm còn hơn 3,274 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/09/2019, tổng tài sản của Vinafood 2 ở mức 8,322 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm chủ yếu là do tiền và các khoản tương đương giảm 25%, còn gần 299 tỷ đồng.
Hàng tồn kho giảm 18%, còn gần 2,318 tỷ đồng nhưng cũng trích lập dự phòng 27 tỷ đồng.
Trong kỳ, nợ xấu của Vinafood 2 đã giảm nhẹ còn hơn 1,303 tỷ đồng nhưng dự phòng tới 1.277 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiện Vinafood 2 ghi nhận 120 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác nhưng phải trích lập dự phòng gần 67 tỷ đồng (cuối năm 2018 là 164 tỷ đồng).
Phải thu khách hàng là 1.594 tỷ đồng thì trích lập dự phòng tới 214 tỷ đồng. Phải thu khác 116 tỷ đồng, dự phòng 55 tỷ đồng.
Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm hơn 2.866 tỷ đồng.
Vinafood 2 có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tại thời điểm cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nắm 51,43% vốn Vinafood 2, còn CTCP Tập đoàn T&T sở hữu 25%.
Cổ phiếu VSF của Vinafood 2 hiện đang giao dịch quanh mức giá 6.900 đồng/cp, giảm 31,68% so với hồi mới lên sàn (lên sàn UPCoM hồi tháng 4/2018).