Phát biểu tại Hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” sáng 9/5, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết VietinBank và các ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với trước khi có dịch bệnh, đồng thời giảm mạnh phí dịch vụ.
Tính đến hết tháng 4, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng gặp khó khăn bởi dịch bệnh với doanh số giải ngân mới đạt trên 130.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 2-2,5% lãi suất cho vay.
Ông Thọ cho biết năm 2020, VietinBank dành 3.000-4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí dịch vụ, đồng hành khó khăn với các khách hàng.
Từ 23/1 đến nay, VietinBank đã giảm hơn 800 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng.
Ngân hàng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.500 khách hàng với dư nợ trên 50.000 tỷ đồng trong đó, dư nợ đến hạn cần cơ cấu lại là hơn 5.000 tỷ đồng.
|
Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ. |
Chủ tịch VietinBank nhận định, ngân hàng là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất do nhu cầu tín dụng giảm và khách hàng bị giảm khả năng trả nợ khi đến hạn dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu của nền kinh tế. Và vì vậy, ngân hàng cũng cần có được sự thấu hiểu từ các doanh nghiệp.
Ông Thọ đã đưa ra các đề xuất với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ. Trong đó, Chủ tịch VietinBank đề nghị các doanh nghiệp cần triển khai xây dựng phương án, dự án thực sự khả thi.
Doanh nghiệp cũng cần phối hợp với ngân hàng để minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ. Không để xảy ra trục lợi chính sách, đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội để cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn, chủ động thích ứng với biến động của thị trường.
Ngoài ra, Chủ tịch VietinBank cũng đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt sửa đổi Nghị định 91 ngày 13/10/2015 và phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước để các ngân hàng có thể mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế, đón đầu các cơ hội mới sau khi dịch bệnh được kiểm soát.