"Nuôi” lục bình, chuyện lạ đời nhưng không mới ở miền Tây

Lục bình là loài cây mọc hoang, phát triển rất nhanh, không có giá trị kinh tế. Gần đây, nhiều nông dân đã biết khai thác loài cây này để tăng thu nhập.
Lục bình hay còn gọi là bèo sen, bèo tây thường mọc trên sông, chủ yếu hoa lục bình và đọt non được sử dụng làm thức ăn, thân lục bình được tận dụng trong việc chăn nuôi gia cầm, gia súc.
Lục bình là loài cây thân thảo, sống lênh đênh trên các ao hồ hay các dòng sông. Ngoài ra, lục bình có thể sống tốt ở những nơi đất lung, bàu, đất nhão, bộ rễ của lục bình khá dài, thân lục bình có khi cao gần 1m và gặp đất tốt chúng càng lớn rất nhanh.
"Nuoi” luc binh, chuyen la doi nhung khong moi o mien Tay
Lục bình được người dân dùng cây neo giữ để "nuôi" và khai thác dần (Ảnh: Chúc Ly) 
Bên cạnh đó, cây lục bình còn được dùng để tạo nên các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nắm được lợi thế đó, nhiều hộ dân tại xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) tận dụng lục bình trôi tự nhiên trên sông, dùng cây rào giữ lại nhằm thu hoạch bán cho các cơ sở sản xuất.
Gia đình chị Nguyễn Thị Diền (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới) hiện đang có nguồn thu nhập cao từ cây lục bình với hình thức “nuôi” lục bình này.
Theo chị Diền, gia đình chị theo nghề khai thác lục bình này đã gần 20 năm nay. “Thời gian trước thì khai thác tự nhiên, có bao nhiêu mình cắt lục bình bấy nhiều. Những năm gần đây gia đình tôi đã biết dùng cây cọc neo giữ lục bình lại để “nuôi” và khai thác được nhiều hơn” - chị Diền chia sẻ.
"Nuoi” luc binh, chuyen la doi nhung khong moi o mien Tay-Hinh-2
 Chị Diền phơi lục bình quanh nhà (Ảnh: Chúc Ly)
Chị Diền cho biết: "Cứ 5-6 ngày tôi sẽ thu hoạch một đợt, mỗi đợt tôi bán được khoảng 900.000-1.000.000 đồng. Cứ như thế tôi cắt xoay vòng, hết đợt này tới đợt khác và làm quanh năm. Nói chung chúng tôi chỉ tốn công cắt và tiền thuê khoảng sông trước nhà người ta để giữ lục bình, tổng chi phí chưa tới 5%".
“Cây lục bình lớn khá nhanh và không tốn công chăm sóc. Nhiều hộ dân ở đây có nguồn thu nhập tốt từ cây lục bình. Chúng tôi luôn đảm bảo vừa bảo quản tốt số lục bình nuôi, đồng thời đảm bảo sự lưu thông đi lại của các loại ghe xuồng trên sông” - chị Diền cho hay.
"Nuoi” luc binh, chuyen la doi nhung khong moi o mien Tay-Hinh-3
Lục bình tươi sau khi đạt chiều cao khoảng 7-8 tấc thì bắt đầu cắt lên và phơi khô (Ảnh: Chúc Ly 
Theo nhiều hộ theo nghề khai thác lục bình, lục bình tươi sau khi đạt chiều cao khoảng 7-8 tấc thì bắt đầu cắt lên và phơi khô. Lục bình được phơi từ 4-5 nắng (ngày) mới khô hẳn, cứ 500kg lục bình tươi sẽ cho ra khoảng 40kg lục bình khô thành phẩm.
"Nuoi” luc binh, chuyen la doi nhung khong moi o mien Tay-Hinh-4
Cứ 500kg lục bình tươi sẽ cho ra khoảng 40kg lục bình khô thành phẩm (Ảnh: Chúc Ly) 
Hiện nay, sản phẩm lục bình khô được các hộ dân phơi khô và bán lại cho các thương lái dể cung cấp cho các cơ sở làm thủ công mỹ nghệ, với giá trung bình từ 11-12.000 đồng/kg.
"Nuoi” luc binh, chuyen la doi nhung khong moi o mien Tay-Hinh-5
Từ sản phẩm lục bình khô bán cho các thương lái, gia đình chị Diền có thu nhập ổn định (Ảnh: Chúc Ly) 
Ông Phan Văn Khởi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Quới, cho biết: "Tại địa phương hiện có nhiều hộ tận dụng được lục bình trên sông để tăng thêm thu nhập gia đình. Nhiều hộ xem nghề khai thác lục bình trên sông là nghề cho thu nhập chính. Đây cũng được xem là nghề giúp cho nhiều hộ không đất sản xuất thoát nghèo chính đáng".
Theo Chúc Ly/ Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN