Nới room ngoại lên 100%, Bidiphar sắp có cổ đông nước ngoài?

Bidiphar muốn nới room ngoại tối đa lên 100% để tối đa các lợi ích từ việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, giúp cổ phiếu DBD giao dịch tốt hơn trên thị trường và đa dạng hóa cơ cấu cổ đông.
 

Ngày 12/12, Hội đồng quản trị CTCP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, HoSE: DBD) vừa có tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc mở room ngoại.

Trước hết, Công ty lấy ý kiến cổ đông về việc cho phép cổ đông hiện hữu được quyền chuyển nhượng cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến sở hữu trên 25% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty và đến mức tối đa mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu theo quy định của pháp luật hiện hành mà không phải chào mua công khai.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Công ty trình cổ đông phê duyệt nới room ngoại 100% để tối đa các lợi ích từ việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, giúp cổ phiếu DBD giao dịch tốt hơn trên thị trường và đa dạng hóa cơ cấu cổ đông.

Hiện thị giá DBD là 59.000 đồng/cp, tăng hơn 51% so với đầu năm. Đà tăng của cổ phiếu DBD ghi nhận từ khoảng cuối tháng 8, có lúc giá cổ phiếu DBD tăng đến 64.000 đồng/cp (phiên 15/11). Tuy vậy thanh khoản của cổ phiếu BDB khá thấp.

Hiện DBD chưa có cổ đông lớn là nước ngoài nào, cổ đông lớn nhất là Quỹ đầu tư và phát triển Bình Định nắm gần 7 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,34%. Thành viên Hội đồng quản trị Nguyễn Tiến Hải cùng người có liên quan nắm giữ khoảng 7,5%, còn lại là các cá nhân khác trong Hội đồng quản trị và cổ đông nhỏ lẻ.

Noi room ngoai len 100%, Bidiphar sap co co dong nuoc ngoai?
 Bidiphar muốn nới room ngoại tối đa lên 100%.

Để nới room 100%, Hội đồng quản trị Công ty cũng trình các nội dung về điều chỉnh ngành nghề kinh doanh. Đồng thời, xin ý kiến cổ đông về việc ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền quyết định đối với việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đăng ký và thực hiện phong tỏa tạm thời tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đăng ký và thực hiện giải tỏa tỷ lệ sở hữu nước ngoài và các thủ tục khác với cơ quan quản lý.

Cuối cùng, Công ty lấy ý kiến cổ đông về việc sáp nhập 3 công ty TNHH MTV 100% vốn của Bidiphar vào chi nhánh thuộc Công ty, thực hiện chức năng sản xuất để kế thừa và triển khai các dự án đầu tư mới của 3 công ty con tại Khu A, khu kinh tế Nhơn Hội, Quy Nhơn, Bình Định.

Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng 2019, Bidiphar đạt gần 861 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt gần 105 tỷ đồng, giảm 18% so với 9 tháng năm 2018.

Năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ, tăng 35,7% so với thực hiện năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, xấp xỉ kết quả lợi nhuận đạt được năm 2018.

Theo đó kết thúc 9 tháng, Bidiphar đã thực hiện được 57% mục tiêu về doanh thu và 53% mục tiêu về lợi nhuận.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN