Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, ngân hàng vẫn phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng trong năm 2024, tuy nhiên tốc độ tăng sẽ chậm lại so với năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm.
Chất lượng tài sản cần lưu ý nợ nhóm 2
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tổng thể duy trì tương đương cuối 2023. Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 5/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 833,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống TCTD đến cuối tháng 5/2024 là 6,9%, tương đương thời điểm cuối năm 2023 và tập trung chủ yếu tại một số TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Kết quả xử lý nợ xấu tích cực với 96,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong toàn hệ thống trong 5 tháng đầu năm 2024, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước.
Việc xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ở mức cao, chiếm 48,9% tổng nợ xấu được xử lý (theo số liệu của NHNN). Bộ đệm xử lý dự phòng đang trong xu hướng giảm đáng kể sau khi các TCTD tăng cường mức trích lập giai đoạn trước.
Các ngân hàng có vốn Nhà nước (SOB) vẫn duy trì bộ đệm dự phòng vững chắc. Đối với các ngân hàng đã công bố số liệu bán niên, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) đã giảm từ mức bình quân 79% thời điểm đầu năm xuống 68% thời điểm 30/6/2024.
Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao tập trung ở nhóm ngân hàng SOB như Vietcombank (212%), BIDV (132%), VietinBank (113%) và Agribank (114%).
Trong khi hầu hết các ngân hàng TMCP tư nhân có bộ đệm giảm như Techcombank, LPBank, MBB, HDBank, VPBank, Sacombank, ACB...
Agriseco thận trọng với chất lượng tài sản của toàn ngành khi kinh tế vẫn cần thêm thời gian cải thiện, thậm chí kéo dài tới năm 2025.
Chất lượng tài sản có sự phân hóa giữa các ngân hàng: (1) Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu kiểm soát ở mức vừa phải; (2) Nhóm ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao (bao gồm TPDN) và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024 – 2025.
Áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vẫn còn tiếp diễn
Agriseco lưu ý mức tăng của nợ nhóm 2 có thể tạo áp lực giai đoạn tới. Trong số các ngân hàng đã công bố BCTC quý 2, Agriseco ghi nhận Tổng nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) trong xu hướng tăng tương đối mạnh với mức tăng khoảng 12% so với thời điểm 31/12/2023.
Một số ngân hàng có mức tăng Nợ nhóm 2 so với đầu năm như MSB (+33%), VPBank (+25%), OCB (+23%), Techcombank (+9%)...
Ngược lại, một số ngân hàng có quy mô Nợ nhóm 2 giảm là: VietABank (-96%), BacABank (-37%), ABBank (-34%)...
Mặc dù vậy áp lực trích lập dự phòng dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong năm 2024 nhờ việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay và nền kinh tế được dự báo khởi sắc hơn trong cuối năm nay.
Xét trên tổng thể, ngân hàng vẫn phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng trong năm 2024, tuy nhiên tốc độ tăng sẽ chậm lại so với năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm với các yếu tố hỗ trợ sau: (1) Các chỉ số vĩ mô kỳ vọng có nhiều khởi sắc hơn vào các tháng cuối năm, (2) Chính sách hỗ trợ của ngân hàng thông qua chương trình lãi suất ưu đãi, (3) Tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.