Để xử lý nợ xấu trên, sau khi Sacombank bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới, đã ban hành khoảng 40 Nghị quyết/Quyết định liên quan để xử lý nợ xấu, thành lập hàng loạt Ủy ban…
Một số khoản vay cá nhân được gia hạn tiến độ thanh toán, miễn giảm lãi thẻ tín dụng. Đối với thương vụ bán hơn 95% vốn Giấy Sài gòn cho Tập đoàn Sojitz đến từ Nhật Bản, phần lớn số cổ phần này lại được thế chấp tại Sacombank cho các khoản vay của các cổ đông cũ. Sacombank đã giải chấp được 92,5 triệu cổ phần Giấy Sài Gòn. Nhà băng này cũng nhận mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu do CTCP Đầu tư xây dựng Thái Sơn phát hành ngày 18/01/2017 với mệnh giá 2.000 tỷ đồng...
Ngay khi nhậm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Dương Công Minh đã khẳng định: Hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu đang được xử lý một cách quyết liệt. Mục tiêu mà ông Minh đưa ra là cuối năm 2017 xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ xấu.
Trên thực tế, sau năm 2017, ngân hàng này xử lý được hơn 15.000 tỷ đồng nợ xấu, nửa đầu năm 2018 tiếp tục rốt ráo xử lý và trích lập dự phòng.
Tiếp đó, 6 tháng đầu năm 2018, Sacombank đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 3,3% (đầu năm 2017 là 6,68%). Khoản nợ có khả năng mất vốn giảm 1.000 tỷ đồng xuống còn 7.300 tỷ đồng (so với cuối năm 2017).
Trong năm 2018, Sacombank đã đặt ra mục tiêu xử lý hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trước đó, Sacombank đã xử lý thành công 3 lô đất tại khu Công nghiệp Đức Hoà III - Long An liên quan đến ông Trầm Bê với giá hơn 9.200 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018, Sacombank ghi nhận 1.314 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Tín dụng có thu nhập lãi thuần đem về 5.523 tỷ đồng, tăng tới 47% so với năm trước. Tuy nhiên, thời gian này, Sacombank vẫn chật vật với quá trình xử lý nợ xấu. Thời điểm Quý III, lượng nợ xấu này khoảng gần 38.900 tỷ đồng, giảm khoảng 2.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tổng cộng nợ xấu (gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng tại VAMC) là khoảng 47.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 16,1%.
Trong năm 2018, hoạt động xử lý nợ vẫn là trọng tâm của ngân hàng này. Do đó, Sacombank đã mạnh tay chi phí dự phòng rủi ro gấp đôi lên thành 1.592 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Sacombank là 406.041 tỷ đồng, tăng 10,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,9% đạt 253.100 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,2% đạt 349.197 tỷ đồng.
Theo Thời báo Ngân hàng, ông Dương Công Minh từng lý giải việc ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu của ông Trầm Bê và người có liên quan sau sáp nhập là do đa phần tài sản có pháp lý dở dang, chưa hoàn thiện.
|
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank - vẫn đang cố gắng xử lý khoản nợ xấu của ngân hàng dưới thời Trầm Bê. Ảnh: Internet. |
Ông Minh cho biết, trong thời gian qua, Sacombank thanh lý, bán tài sản theo quy định, trong đó ưu tiên thu hồi nợ gốc, riêng về lãi sẽ tiếp tục theo dõi để xử lý theo quy định trong thời gian tới.
Như vậy, gần 2 năm qua, Sacombank vẫn "đánh vật" với khoản nợ khổng lồ từ thời ông Trầm Bê để lại. Nếu không có gì đột biến, nhiều khả năng việc xử lý nợ xấu vẫn là nhiệm vụ trọng điểm của ngân hàng này trong năm 2019.