Nợ có khả năng mất vốn của Eximbank hơn 2.500 tỷ đồng

So với đầu năm, số dư nợ xấu của Eximbank đã tăng thêm gần 300 tỷ, vượt mốc 4.000 tỷ đồng, trong đó hơn 65% có khả năng mất trắng.

Tại cuối quý II/2024, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu  Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) ở mức 212.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, tổng cho vay khách hàng ở mức trên 151.300 tỷ đồng, tăng 7,7%. Trong đó, chiếm 71% là nợ ngắn hạn, khoảng 26% là nợ dài hạn và số còn lại là nợ trung hạn.

Số dư nợ xấu (nợ nhóm 3, 4 và 5) tiến thêm 7,4% so với đầu năm, ở mức 4.002 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 2.632 tỷ đồng.

No co kha nang mat von cua Eximbank hon 2.500 ty dong
Nợ xấu gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn. 

Nếu so với thời điểm cuối quý I/2024, nợ xấu của Eximbank đã giảm khoảng 200 tỷ đồng, nhờ cho vay khách hàng tăng trưởng, tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý II đã cải thiện so với cả cuối năm 2023 cũng như cuối quý I. Số dư dự phòng được cải thiện nhẹ, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Eximbank đạt gần 40%. 

Trong 29 nhà băng, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank đứng thứ 19 trong top các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất tính tới cuối tháng 6/2024. Trong đó, top 10 cái tên có chỉ số nợ xấu thấp nhất là Vietcombank, Techcombank, ACB, Bac A Bank, BIDV, VietinBank, MB Bank, LPBank, Agribank và SeABank. Tỷ lệ nợ xấu trung bình toàn ngành ngân hàng ở mức 2,17%.

No co kha nang mat von cua Eximbank hon 2.500 ty dong-Hinh-2
 

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tiền thân là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam, thành lập vào ngày 24/05/1989, thời hạn hoạt động 50 năm với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng.

Eximbank lúc đó là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) đầu tiên của Việt Nam. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/1990, đến nay Eximbank đã có bề dày lịch sử hơn 30 năm.

Là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên, lại có lợi thế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Eximbank lúc đó còn nổi danh trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng, và là một trong những ngân hàng có thế lực lớn trên thị trường tài chính.

Báo cáo thường niên năm 2007 của Eximbank ghi nhận tổng tài sản, quy mô vốn đều tăng vọt. Đây cũng là giai đoanh Eximbank phát triển mạnh nhất, tổng tài sản từ mức 33.700 tỷ đồng cuối năm 2007, lên 183.567 tỷ đồng vào cuối năm 2011, tương ứng tăng gần gấp 5,5 lần chỉ trong vòng 5 năm.

Tài sản tăng, nợ nần cũng tăng theo. Tổng nợ phải trả cuối 2007 hơn 27.400 tỷ đồng, tăng lên đến 167.264 tỷ đồng vào cuối năm 2011, chiếm hơn 91% tổng tài sản.

Năm 2009, Eximbank chính thức đưa cổ phiếu EIB giao dịch trên sàn chứng khoán. Eximbank lúc đó cũng đang ở tư thế sẵn sàng bứt tốc, âm thầm vượt mặt những ngân hàng khác, dành vị thế trên thị trường tài chính.

Năm 2012 là năm ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến rất nhiều biến cố. Ảnh hưởng lớn nhất với các ngân hàng TMCP thời gian đó là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng từ khách hàng. Đây là yếu tố chính dẫn tới những biến động lớn trên báo cáo tài chính năm 2012 của Eximbank.

Đi qua biến cố năm 2012, Eximbank có những năm lao đao khi 2014, 2015 lãi trước thuế chưa đến 100 tỷ đồng. Tuy vậy những năm sau đó ngân hàng đã bắt đầu ổn định.

Vấn đề lớn nhất của Eximbank qua nhiều thời kỳ là việc không có những "ông chủ" thực sự, không có cổ đông lớn đủ có quyền quyết mọi vấn đề. Do vậy tại Eximbank từ nhiều năm nay thường xuyên xuất hiện những sóng gió nội bộ. Việc thay máu các lãnh đạo cấp cao của nhà băng này cũng diễn ra thường xuyên hơn so với các ngân hàng khác.

Theo danh sách được Eximbank công bố, ngân hàng này hiện có 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngày 1/7/2024. Về phía các cổ đông tổ chức, CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) đang là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này khi sở hữu 4,9% vốn điều lệ. 

Hai cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm CTCP Chứng khoán VIX (Mã: VIX) sở hữu 3,58% vốn và CTCP Thắng Phương sở hữu 3,07% vốn. 

Hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này bao gồm là bà Lê Thị Mai Loan ( sở hữu 1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú (sở hữu 1,12% vốn). Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là Cựu Thành viên HĐQT Eximbank. 

Như vậy, 5 cổ đông này hiện đang nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank. 

No co kha nang mat von cua Eximbank hon 2.500 ty dong-Hinh-3
 

Cơ cấu cổ đông Eximbank đã biến động khá mạnh trong vòng 2 năm qua khi một loạt nhóm cổ đông đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC (15%), VinaCapital (gần 5% vốn), nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Âu Lạc cũng như Vietcombank. Tại thời điểm cuối năm 2023, chứng khoán SHS cũng nắm giữ gần 1,1% vốn của Eximbank.

Diễm Phương

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN