Sở dĩ cổ phiếu VND có màn trở lại đầy ấn tượng bởi đó là thời điểm VNDirect công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên bổ sung tờ trình phát hành gần 600 triệu cổ phiếu tăng vốn.
Đây không phải là lần đầu tiên cổ phiếu VND có sự đột phá như vậy, mà trước đó trong 3 năm qua khi thị trường chứng khoán uptrend, cổ phiếu này đã từng làm mưa làm gió khi phát hành tăng vốn khủng nhưng vẫn tạo ra nhiều con sóng.
Cụ thể, trong giai đoạn đáy năm 2020 tới đỉnh năm 2022, cổ phiếu VND tăng tới 14,4 lần, từ 2.500 đồng/cp (giá sau điều chỉnh) lên 36.000 đồng/cp.
Cùng với đó, mức vốn điều lệ của VND cũng được tăng mạnh từ 2.204 tỷ đồng đầu năm 2020 lên 12.178 tỷ đồng như hiện nay, tương đương mức tăng lên tới 5,5 lần.
Cụ thể, giữa tháng 7/2021, VNDirect đã hoàn tất phát hành 214 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 14.500 đồng/cp. Tới đầu năm 2022, VNDirect tiếp tục triển khai phát hành tới 783 triệu cổ phần, gồm cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80%, và phát hành mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cp. Việc tăng vốn hoàn tất vào tháng 4/2022.
Quá trình tăng vốn gần 10.000 tỷ đồng, tương ứng biên độ 550% của VNDirect được tiến hành rất nhanh chóng và liên tục chỉ trong chưa tới một năm, đi kèm với đó là các sóng tăng cổ phiếu dồn dập. Nếu tính từ thời điểm công bố kế hoạch tăng vốn tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, thì VND đã chứng kiến biên độ tăng lên tới 5 lần, cho tới cuối tháng 12/2021.
|
Biến động cổ phiếu VND thời gian qua (nguồn Tradingview) |
Sau nhịp điều chỉnh vào tháng 1/2022, VND đã tiếp tục được "kéo" lên và đạt đỉnh mọi thời đại 36.200 đồng/cp phiên 7/4/2022 (giá điều chỉnh), cùng thời điểm hạn cuối nộp tiền mua phát hành thêm (4/4/2022).
Trong khoảng thời gian này, số lượng cổ đông của VNDirect cũng tăng đột biến, từ 5.186 cổ đông ngày 31/3/2020, gấp hơn 5 lần, lên mức 26.695 vào ngày 14/4/2022, với 99,4% là nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, VND sau đó sụt rất mạnh theo đà giảm của VN-Index và kéo dài đến tận tháng 11/2022 để thiết lập đáy 9.720 đồng/cp. Từ đó đến nay, cổ phiếu VND đang lầm lũi đi lên và có pha đột biến vào ngày 6/6 tới 19.300 đồng/cp (gần gấp đôi mức đáy) với khối lượng hấp thụ lên tới hơn 52 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch vọt gần gấp đôi ngày thường lên gần 1.000 tỷ đồng.
Sở dĩ VND lại gây chú ý bởi kế hoạch chào bán và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ khủng vừa được công bố.
Theo đó, VND sẽ chào bán hơn 243,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 1-5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đồng thời phát hành hơn 24,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10,000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị gần 244 tỷ đồng và thưởng 12,1 triệu cổ phiếu cho người lao động.
Ngoài ra, VND dự kiến chào bán hơn 234,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán 10,000 đồng/cổ phiếu tỷ lệ 5:1. Chưa dừng lại ở đó, VND còn phát hành 61 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 5%.
Như vậy, VND dự kiến phát hành tổng cộng gần 585 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng vốn điều lệ thêm 5.850 tỷ, từ hơn 12.178 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng, qua đó trở thành quán quân vốn điều lệ nhóm chứng khoán. Hiện trên thị trường công ty có vốn điều lệ cao nhất là SSI với 15.011 tỷ đồng, theo sát nút là VPBank Securities với 15.000 tỷ đồng.
Đây chỉ mới là bước đầu của hành trình tăng vốn khủng của VND, liệu các bước đi tiếp theo có tạo nên những con sóng như các năm qua của công ty chứng khoán này hay không khi thị trường cũng đang bắt đầu bước vào thời kỳ hứng khởi?