Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cho biết ngày 26/9/2020, Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng này đã ban hành Nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Văn Hảo. Thay vào đó, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Tổng Giám đốc sẽ được giao phụ trách điều hành Ngân hàng từ ngày 1/7/2020.
|
Ông Nguyễn Văn Hảo rời ghế Tổng Giám đốc VietABank. |
Đáng chú ý, trên đây không phải lần đầu tiên VietAbank thay đổi lãnh đạo, trước đó, VietABank từng nhiều lần sóng gió nội bộ, “thay tướng”.
Cụ thể, năm 2011, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị VietABank được thay thế khi ông Phương Hữu Việt lên nắm vị trí này, thay ông Đỗ Công Chính.
Đến năm 2015, được đánh giá là năm biến động mạnh nhân sự tại VietABank khi hàng loạt Phó Tổng Giám đốc VietABank bị miễn nhiệm. Theo đó, tháng 5/2015, VietABank miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ông Trần Thái Hòa. Tháng 8/2015, miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc đối với ông Trịnh Minh Thảo.
Tháng 9/2015, miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Anh Tuấn. Tháng 10/2015, miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc đối với ông Vũ Nhật Lâm.
Tháng 11/2015, miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc đối với ông Phạm Quang Thuần.
Đến tháng 3/2016, miễn nhiệm Phó Tổng Giám đốc đối với bà Nguyễn Thu Hạnh. Tháng 5/2016, ông Nguyễn Văn Hảo - người vừa “dứt tình” với VietABank, thay thế bà Phương Thanh Nhung điều hành VietABank với chức phụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành.
Chỉ ít tháng sau, HĐQT VietABank đã miễn nhiệm ông Hảo (từ đầu tháng 9/2016) để bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc đối với ông Lê Xuân Vũ, sau đó là chức vụ Tổng Giám đốc (cuối tháng 11/2016).
Thế nhưng, ông Lê Xuân Vũ lại chỉ tại vị đến trung tuần tháng 3/2017 thì bị miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc, thay thế với vai trò quyền Tổng Giám đốc lại quay về chính ông Nguyễn Văn Hảo.
Từ tháng 7/2017, ông Hảo chính thức được bổ nhiệm cho tới trước khi bị miễn nhiệm cuối tháng 6/2020 vừa qua.
Sau khi ông Hảo “dứt tình” với VietABank, HĐQT VietABank còn 6 thành viên là ông Phương Hữu Việt, ông Phan Văn Tới, ông Phạm Duy Hưng, ông Trần Tiến Dũng, bà Phương Minh Huệ, ông Nguyễn Hồng Hải là thành viên HĐQT độc lập.
Trong đó, ông Nguyễn Hồng Hải và bà Phương Minh Huệ mới được bầu vào HĐQT tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2020, ông Phương Hữu Việt là Chủ tịch HĐQT.
Đối với phu nhân ông Phương Hữu Việt - bà Đỗ Lê Minh, dù không trực tiếp tham gia vào HĐQT hay Ban Tổng Giám đốc nhưng cũng có vai trò lớn tại Ngân hàng này. Bà Minh từng giữ chức Giám đốc khối quản trị nguồn nhân lực VietABank, và từ 7/2017 đến nay bà là Phó Chủ tịch Ủy ban chiến lược và nhân sự Ngân hàng. Theo Nghị quyết ngày 19/9/2017, bà Đỗ Lê Minh còn được HĐQT phân công hỗ trợ công tác điều hành tại VietABank.
|
VietABank nhiều lần sóng gió nội bộ, "thay tướng". (Ảnh minh họa). |
Tại ĐHĐCĐ năm 2020 của VietABank cho thấy, 119 cổ đông, trong đó 48 trực tiếp, qua ủy quyền 71 người, đại diện cho 292.871.401 cổ phần, chiếm 83,678% cổ phần có quyền biểu quyết đã tham dự.
Đây là số lượng cổ đông cũng như tỷ lệ cổ phần tham dự cao kỷ lục từ năm 2015. Năm 2019 là 76 cổ đông, 76,16% cổ phần, còn năm 2018 là 92 cổ đông, 78,5% cổ phần.
Theo Nhà Đầu Tư, diễn biến bất ngờ ở ĐHĐCĐ là các tờ trình của HĐQT VietABank không còn nhận được sự đồng thuận gần như 100% như các năm trước, khi có hai nhóm cổ đông, lần lượt nắm 6,3% và 1,2% thường xuyên bỏ phiếu trắng (không có ý kiến) hoặc phủ quyết với 10 tờ trình.
Trong đó, nhóm cổ đông lớn nắm 6,3% cổ phần, tương đương 7,548% cổ phần tham dự Đại hội bỏ phiếu trắng tại 8 nội dung và phủ quyết ở hai nội dung là báo cáo về việc thực hiện phương án tăng vốn điều lệ năm 2019 và phương án phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2019; còn nhóm 1,2% bỏ phiếu trắng ở 4 nội dung là phương án tăng vốn, phương án phân phối lợi nhuận, sửa đổi bổ sung điều lệ và ủy quyền của ĐHĐCĐ cho HĐQT, BKS.
Đây là chuyển động rất đáng chú ý ở VietABank, trước giờ mang đậm dấu ấn chi phối của Chủ tịch Phương Hữu Việt cũng như cổ đông lớn Việt Phương Group.