Quý đầu năm (hết ngày 31/03) đã trôi qua nhưng các đại gia phố núi Gia Lai dường như vẫn chưa có được sự chuẩn bị hoàn hảo nhất cho cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021. HAG và DLG đã quyết định gia hạn thời gian tổ chức chậm nhất đến cuối tháng 6, trong khi QCG thậm chí chưa có bất kỳ thông báo nào về ngày chốt danh sách cổ đông.
HAG tìm động lực tăng trưởng từ đâu sau khi buông HNG?
Một vấn đề mà nhiều cổ đông Hoàng Anh Gia Lai (HAG) không khỏi băn khoăn là định hướng hoạt động kinh doanh sau khi dần thoái vốn khỏi CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) - doanh nghiệp đóng góp 80% doanh thu cho HAG trong 2 năm qua. HAG bán HNG thì giờ còn sở hữu những gì? Liệu HAG có thoái sạch vốn khỏi HNG?
Doanh thu thuần của HAG và HNG từ 2017-2020. Đvt: Tỷ đồng
|
Nguồn: VietstockFinance |
Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của HNG hồi tháng 1/2021 đã chứng kiến việc ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) nhường lại ghế Chủ tịch HĐQT HNG cho tỷ phú Trần Bá Dương (đang đồng thời là Chủ tịch của Thaco). Nhân sự từ phía Thaco cũng dần nắm cơ số vị trí quan trọng khác tại HNG.
Thaco (thông qua Thagrico - tên mới của Thadi) đã nắm quyền kiểm soát tại HNG, đồng thời đó HAG không còn là Công ty mẹ và ráo riết thoái vốn. Gần đây nhất, HAG đã bán tổng cộng 122.5 triệu cp HNG trong 2 đợt giao dịch từ 31/12/2020-19/01/2021 và 05/02-02/03/2021. HAG tiếp tục đăng ký bán thêm 80 triệu cp HNG từ 22/03-20/04/2021. Nếu đợt giao dịch mới nhất hoàn tất trọn vẹn, HAG sẽ giảm sở hữu một mạch từ gần 453 triệu cp xuống chỉ còn 250 triệu cp, tương đương nắm 22.57% vốn tại HNG.
Chia sẻ bên lề cuộc họp của HNG, đáp lại câu hỏi rằng HAG hiện còn gì sau khi dần thoái vốn tại HNG, bầu Đức hóm hỉnh nói rằng HAG vẫn còn 400 triệu cp HNG và đội bóng (Hoàng Anh Gia Lai). Về định hướng tiếp theo của HAG, ông Đức hẹn sẽ chia sẻ cụ thể hơn tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của HAG sắp tới.
|
Đồ họa: Tuấn Trần |
Một vấn đề đáng chú ý nữa, tại BCTC hợp nhất quý 4/2020 ghi nhận việc HAG đã đẩy khoản lỗ hơn 5 ngàn tỷ đồng về quá khứ. Chi tiết hơn, số liệu tại ngày 31/12/2019 đã được điều chỉnh lại, trong đó tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2019 đã giảm đi 5,057 tỷ đồng do tăng dự phòng các khoản phải thu ngắn/dài hạn khó đòi. Việc tăng dự phòng khiến HAG lỗ thêm, lãi sau thuế chưa phân phối giảm 4,916 tỷ đồng, xuống mức lỗ lũy kế 4,625 tỷ đồng.
Phía HAG cho biết lý do tăng dự phòng như trên liên quan đến việc các xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng nhất. Ban Tổng Giám đốc đã quyết định điều chỉnh hồi tố BCTC kiểm toán năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng.
Nhìn lại, so với việc xuất hiện đúng vào giai đoạn các năm trước, có thể thấy việc khoản chênh lệch lỗ kể trên bỗng nhiên “xuyên không về quá khứ” dường như mang lại vị thế tích cực hơn cho phía doanh nghiệp. Ban lãnh đạo HAG sẽ cần cho cổ đông lời giải thích rõ ràng, thỏa đáng về vấn đề này.
Sau “cú trượt lịch sử”, DLG sẽ đứng dậy như thế nào?
Giống như HAG, Đức Long Gia Lai (DLG) cũng xuất thân từ ngành gỗ và rồi sau này dấn thân vào bất động sản. Nhìn vào bảng thành tích kinh doanh của DLG, có thể thấy một nghịch lý xảy ra khi doanh thu giai đoạn 2015-2018 liên tục gia tăng nhưng lợi nhuận lại đổ đèo.
Đến 2019 thì DLG lần đầu báo lỗ (1.3 tỷ đồng) và gây choáng váng hơn cả là con số âm 894 tỷ đồng năm 2020. Doanh thu thuần năm vừa qua giảm 31% so với 2019, xuống còn 1,981 tỷ đồng (thấp nhất kể từ 2016).
Kết quả kinh doanh của DLG từ khi niêm yết đến nay. Đvt: Tỷ đồng
|
Nguồn: VietstockFinance |
“Căn bệnh trầm kha” của DLG vẫn nằm ở các khoản chi phí lớn. Đặc biệt năm 2020, chi phí tài chính và chi phí quản lý đã lần lượt chiếm tới 817 tỷ đồng và 539 tỷ đồng. Đây là gánh nặng khiến doanh nghiệp của Chủ tịch Bùi Pháp báo lỗ lịch sử.
Tính đến 31/12/2020, DLG đang ôm khoản nợ phải trả gần 5.7 ngàn tỷ đồng, trong đó 2.9 ngàn tỷ đồng là ngắn hạn và 2.8 ngàn tỷ đồng là dài hạn. Trong khi đó, lượng tiền mặt chỉ ở mức 108 tỷ đồng.
DLG sẽ ứng phó ra sao trong năm 2021 hay lại tiếp tục thua lỗ? Câu trả lời sẽ phải chờ ban lãnh đạo DLG trình bày tại ĐHĐCĐ thường niên 2021.
Dự án Phước Kiển có tiếp tục làm buồn lòng cổ đông QCG?
Thành viên thứ 3 trong nhóm đại gia phố núi chính là Quốc Cường Gia Lai (QCG). Khác với 2 đơn vị kể trên, QCG đạt lãi ròng 49 tỷ đồng năm 2020. Doanh thu gấp 2.2 lần giúp QCG lãi thuần gấp 3.5 lần, song lợi nhuận về tay cổ đông Công ty mẹ vẫn đi lùi 17% so với 2019.
Năm 2020 vừa qua, do theo quy định mới về việc kiêm nhiệm chức danh, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc đã nhường ghế Chủ tịch cho ông Lại Thế Hà. Dù vậy, ảnh hưởng của bà Loan tại QCG từ trước đến nay là điều không cần phải nghi ngờ.
Câu chuyện đáng quan tâm nhất tại QCG vẫn xoay quanh dự án Phước Kiển, Nhà Bè, Tp.HCM. Một số Đại hội gần đây của QCG chứng kiến việc bà Loan “rơi nước mắt” khi nói đến dự án này. QCG đã bỏ rất nhiều tâm sức vào đây nhưng thực tế 5-6 năm trời trôi qua, dự án vẫn chưa thể khởi công. Nợ đầm nợ đìa nhưng vị Tổng Giám đốc vẫn luôn muốn thực hiện dự án vì cho rằng đây là “đứa con tinh thần”, là tâm huyết cả đời kinh doanh của bà.
Vị trí dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, Nhà Bè, Tp.HCM
Mới đây vào tháng 1/2021, QCG đã khởi kiện CTCP Đầu tư Sunny Island ra trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Vụ kiện liên quan đến hợp đồng với đối tác là Sunny Island tại dự án Phước Kiển. Theo quy định tại Hợp đồng về giải quyết tranh chấp, QCG đã khởi kiện Sunny Island ra VIAC và được VIAC thụ lý văn bản.
Nói về quan hệ giữa QCG và Sunny Island (Sunny), theo Biên bản thỏa thuận ghi nhớ vào ngày 15/10/2016, QCG sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu (của QCG) trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny. QCG đã nhận số tiền gần 2,900 tỷ đồng từ Sunny (theo báo cáo tài chính năm 2017). Tuy nhiên, tại ngày 05/04/2017, QCG và Sunny đã thanh lý Biên bản nêu trên do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và hai bên đang trong quá trình đàm phán về việc chuyển nhượng.
Liệu dự án Phước Kiển có tiếp tục làm buồn lòng cổ đông và lãnh đạo QCG như những năm trước?