Kết thúc phiên giao dịch 19/9, trên toàn thị trường có tới 765 mã cổ phiếu giảm điểm, trong đó có tới 93 mã giảm hết biên độ.
VN-Index đóng cửa giảm 28,6 điểm (-2,32%) xuống mức 1.205,43 điểm với giá khớp lệnh đạt gần 14.900 tỷ đồng. Mức giảm này đã đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á phiên hôm nay. Vốn hóa thị trường tương ứng bị “thổi bay” gần 114.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD) còn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng.
Với mức giảm mạnh trong phiên 19/9, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 13,07 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm (15,1 lần).
P/E forward 2022 của VN-Index, theo tính toán của Mirae Asset, vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới đặt trong bối cảnh thị trường đang được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS gần 29% trong năm 2022. Điều này cho thấy TTCK Việt Nam hiện được giao dịch tại mức định giá khá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Trở lại với phiên 19/9, top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như VHM, MWG, NVL, BVH, HPG...
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng nằm trong nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường hôm nay như MBB, CTG, TCB, VPB, TPB...
|
Nguồn: VietstockFinance |
CTCK dự báo phiên 20/9 như thế nào?
KBSV cho rằng lực bán áp đảo quanh vùng giá thấp khiến cho chỉ số đánh mất vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.220 điểm, tương ứng với MA50, và trạng thái của thị trường hiện đã trở nên tiêu cực hơn.
Theo đó CTCK này dự báo VN-Index sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tiếp theo và lùi về vùng hỗ trợ gần quanh 118x trước khi có khả năng xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Theo TVSI, tâm lý của thị trường ngày một yếu đi khi các thông tin lo ngại về đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này.
Thêm vào đó, Nghị định 65/2002 thay thế cho 153/2020 với nhiều quy định chặt chẽ hơn về thị trường trái phiếu riêng lẻ cũng tạo ra những quan ngại về dòng tiền cho nhiều nhóm ngành đặc biệt là bất động sản và thị trường chung. Những điều này gây áp lực hạ tỷ trọng cho người cầm cổ phiếu trong khi phía mua đang kiên nhẫn đợi vùng giá chiết khấu hơn cho các rủi ro.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật với cách đóng cửa của phiên 19/09, TVSI đánh giá áp lực bán của phiên ngày mai vẫn rất lớn. VN-Index hiện có hai mốc hỗ trợ quan trọng là vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm và vùng đáy tháng 6/2022 xoay quanh 1.150 điểm. TVSI tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng với chiến lược phòng thủ và chờ đợi thời điểm giải ngân có thể xảy ra trong tuần này.
Chứng khoán SHS cho rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index tiếp tục suy yếu. Với áp lực bán hiện tại, VN-Index có rủi ro tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.175-1.200 điểm, đi vào vùng quá bán ngắn hạn trong 01-02 phiên tới và có thể phục hồi trở lại.
Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất.
Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý 3/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP... cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện tốt hơn mới xem xét gia tăng thêm tỷ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.