Nhìn thị trường chứng khoán để đánh giá sự hồi phục của nền kinh tế liệu có đúng?

Nhìn vào biểu đồ của chỉ số S&P 500 có vẻ như các nhà đầu tư đang kỳ vọng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kết thúc nhanh chóng và nền kinh tế sẽ sớm quay trở lại.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi RBC Capital Markets, các lãnh đạo doanh nghiệp lại dự báo lợi nhuận sẽ mất một thời gian khá dài để hồi phục so với mô hình hồi phục chữ V mà các nhà đầu tư chứng khoán đang đánh cược vào.
“Bình luận của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho sự hồi phục lâu dài và chậm rãi”, Lori Calvasina, người đứng đầu Bộ phận Chiến lược đầu tư vốn tại RBC cho biết.
Sau khi nghiên cứu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I và dự báo lợi nhuận trong thời gian tới, Lori Calvasina cho biết, các nhà phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận vẫn còn quá khá lạc quan. Theo RBC, có nhiều kịch bản giảm giá hơn và điều này sẽ tạo ra những khó khăn đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Lý giải cho sự bi quan này là do những người dân Mỹ đa phần vẫn đang ở nhà để tránh lây nhiễm. Một sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các quan chức y tế dự đoán sẽ có ít nhất 18 tháng cho đến khi có một loại vacxin. Và cho đến khi vacxin xuất hiện, có rất ít cơ hội có khả năng thay đổi cục diện.
Nhin thi truong chung khoan de danh gia su hoi phuc cua nen kinh te lieu co dung?
 
Michael Reynold, chuyên gia chiến lược đầu tư tại Glenmede, nơi quản lý tài sản 40 tỷ USD cho khách hàng cho biết: “Mọi thứ sẽ không sớm trở lại bình thường vì có rất nhiều vấn đề để giải quyết. Chúng tôi đã không cho rằng có sự hồi phục theo chữ V từ tháng trước”.
Trong lịch sử, con đường để thị trường chứng khoán quay trở lại mức cao nhất thường kéo rất dài. UBS Global Wealth Management cho biết, họ đã mất trung bình 39 tháng để đi từ đỉnh thị trường con bò để thiết lập một mức cao khác của mọi thời đại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại đang có niềm tin rằng vacxin sẽ sớm xuất hiện, S&P 500 đang có đợt hồi phục nhanh nhất chỉ trong vài tuần. Kể từ mức thấp của tháng 3, chỉ số này đã tăng hơn 30%, lấy lại hơn một nửa tổn thất do đại dịch. Tháng 4 cũng là tháng tốt nhất của thị trường chứng khoán trong hơn ba thập kỷ.
Cách các nhà đầu tư phân bổ chứng khoán cũng cho thấy rằng, họ đang mong đợi sự kết thúc của khủng hoảng, theo Dennis DeBusschere, chiến lược gia Evercore ISI. Ông nói rằng, những nhà đầu tư mua cổ phiếu đang nhắm đến các lĩnh vực như công nghệ thay vì phân bổ nhiều nhóm ngành hơn.
“Quan điểm của các nhà đầu tư đang cho rằng nên đầu tư vào những lĩnh vực có tác động lớn nhất tới chỉ số”, Dennis DeBusschere nói.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng bởi nỗ lực mở cửa nền kinh tế trở lại, chỉ có 10 bang của Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế theo yêu cầu từ Nhà Trắng, theo các nhà phân tích từ Bloomberg.
“Nếu chúng ta thấy việc mở cửa trở lại không được thuận lợi thì sau đó sẽ xuất hiện những biến động nghiêm trọng”, Shawn Cruz, quản lý cấp cao về chiến lược giao dịch tại TD Ameritrade cho biết.
Ngay cả khi nền kinh tế hồi phục nhanh chóng thì một thế giới hậu Covid-19 vẫn sẽ trông rất khác. Nhiều nhà kinh tế dự kiến thực hiện dự báo mô hình kinh doanh hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng, tất cả mọi thứ đều sụt giảm mạnh và tỷ lệ tiết kiệm tăng cao hơn.
Nhưng nhìn chung, vẫn có nhiều quan điểm tích cực khi nhìn thấy sự phục hồi dần của nền kinh tế Trung Quốc, nơi phần lớn đất nước đã mở cửa trở lại sau khi kiểm soát được đại dịch, theo Binky Chadha, chiến lược gia toàn cầu tại Deutsche Bank.
Theo Shawn Cruz, có vẻ như các nhà đầu tư đang đặt nhiều niềm tin vào Fed để giữ cho thị trường hoạt động ổn định và Chính phủ Mỹ sẽ tái khởi động nền kinh tế. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, có rất nhiều yếu tố khó dự đoán như liệu người dân có tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội hay không.
“Thị trường đang rất lạc quan, họ cảm thấy mọi thứ sẽ được kiểm soát nhờ chính phủ, Fed sẽ đưa kinh tế quay trở lại. Nhưng điều này chắc chắn là một rủi ro”, ông nói thêm.
Theo Vũ Duy Bắc/Tin nhanh chứng khoán

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN