Nhìn sâu vào kinh tế 2022 để thấy thách thức 2023

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,02% với nhiều con số kỷ lục như kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách, lạm phát kiểm soát 3,15%. 

Nhin sau vao kinh te 2022 de thay thach thuc 2023

Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02% - là mức cao nhất 15 năm. Ảnh: Internet.

2023 được đánh giá là một năm tiếp tục khó khăn với kinh tế thế giới. Dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm mạnh từ 6% năm 2021 xuống khoảng 3% năm 2022 và 2,2 - 2,7% năm 2023; nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu phải đối mặt với rủi ro suy thoái và lạm phát cao.

Đây không phải chỉ là vấn đề của thế giới. Việt Nam với độ mở nền kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 190% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam thậm chí có thể phải đối mặt với những thách thức lớn hơn.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam năm 2023 phải đồng thời đối mặt với 3 cơn gió nghịch chiều gồm: Lạm phát tăng, điều kiện tài chính xấu đi; các dòng vốn chu chuyển chưa rõ xu hướng; và tăng trưởng thế giới suy giảm. Trong bối cảnh, Việt Nam là nước định hướng xuất khẩu thì việc suy giảm của thị trường quốc tế sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất trong nước, lợi nhuận doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) nhận định, năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức như: Chi phí sản xuất đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản trong khi giá bán sản phẩm đầu ra có xu hướng giảm. Điều này gây áp lực lớn cho người nuôi, trồng trong khi năm 2022, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là trụ đỡ của nền kinh tế.

Một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn; trong đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2022 tăng 19,5% so với năm trước.

Xuất siêu trên nền tảng nhập khẩu giảm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, xuất siêu nhưng các dấu hiệu suy giảm đã bắt đầu thể hiện rõ từ quý IV/2022.

Theo đó, trong tháng 12/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước nhưng giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu giảm 8,1%.

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, TCTK cho rằng, con số xuất siêu 11,2 tỷ USD năm 2022 cũng cho thấy doanh nghiệp nhập khẩu ít đi. Điều này mang tới lo ngại về chu kỳ xuất khẩu tiếp theo sẽ suy giảm (quý I, II/2023) vì nguyên vật liệu đầu vào cho xuất khẩu phần lớn phải nhập khẩu.

Theo khảo sát của TCTK về đơn đặt hàng xuất khẩu mới, có 39,2% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm. Cùng với đó là Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 11/2022 giảm, chỉ đạt 47,4 điểm (tháng 10 là 50,6 điểm). Điều này thể hiện sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm; đồng tiền giảm giá làm tăng thêm chi phí đầu vào; và giá bán hàng giảm trong bối cảnh nhu cầu giảm.

Bà Phí Thị Hương Nga Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, TCTK cho biết, chỉ số PMI của Việt Nam đã bắt đầu giảm từ tháng 10/2022, cùng nhịp với thế giới. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 dù tăng 3% nhưng từ quý IV bắt đầu có sự sụt giảm và là mức tăng thấp nhất từ 2012. Đáng chú ý, chỉ số cân bằng chung lần đầu tiên trong các quý IV của 5 năm xuống dưới mức 0%, phản ánh số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn cao hơn số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Đại diện Vụ Thống kê Dân số và Lao động, TCTK cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử thống kê xuất hiện hiện tượng, nhu cầu lao động giảm trong quý IV do thiếu đơn hàng, giá nguyên vật liệu tăng, nguồn cung suy giảm. Đặc thù dịp Noel, tết Nguyên đán là doanh nghiệp gia tăng nhu cầu lao động để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm thường tăng cao. Tuy nhiên, quý IV năm nay, các ngành như dệt may, da dày, chế biến gỗ đều cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng.

Theo ước tính, hiện có khoảng 600.000 lao động bị ảnh hưởng do làn sóng cắt giảm lao động của doanh nghiệp, trong đó hơn 50.000 người mất việc. Đằng sau vấn đề lao động mất việc làm là thu nhập người dân bị ảnh hưởng, từ đó giảm cầu chi tiêu.

Theo giới quan sát, châu Á có thể sẽ có một sự khởi đầu chậm chạp trong năm 2023. Xuất khẩu sụt giảm có thể ảnh hưởng đến những nền kinh tế yếu kém trong nửa đầu năm 2023 và tăng trưởng có thể chạm đáy trong quý II/2023. 

Vốn FDI đăng ký giảm

Tình hình khó khăn của thế giới đang tác động mạnh mẽ tới khối doanh nghiệp FDI. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước. Điều này phần nào thể hiện kỳ vọng của doanh nghiệp FDI vào sự tăng trưởng trở lại của kinh tế thời gian tới là không lớn.

Thống kê xuất nhập khẩu cũng cho thấy, các mặt hàng suy giảm chủ yếu là các mặt hàng chủ lực mà doanh nghiệp FDI chiếm lợi thế như điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử. Kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực FDI giảm mạnh hơn khu vực trong nước, điều này đặc biệt thấy rõ từ quý IV/2022.

Tình hình doanh nghiệp FDI cũng cho thấy khó khăn hơn. Theo khảo sát các doanh nghiệp FDI, về sử dụng lao động quý IV so với quý III/2022 thì cứ 1 doanh nghiệp nhận định số lao động tăng thì có tới 2,2 doanh nghiệp nhận định giảm.

Về khối lượng sản xuất quý IV so với quý III/2022, thì cứ một doanh nghiệp FDI nhận định tăng thì có 1,5 doanh nghiệp FDI nhận định giảm.

Hai yếu tố được cho là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi rõ rệt nhất trong quý IV là lãi suất tăng cao và nhu cầu thị trường quốc tế thấp.

Lạm phát đang tăng nhanh

Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Vụ trưởng vụ thống kê giá, TCTK nhận định, thành công lớn nhất của Việt Nam năm 2022 là kiềm chế được lạm phát ở mức 3,15% trong bối cảnh đa số các nước trong khu vực lạm phát trên 5%. Tuy nhiên, mục tiêu lạm phát 4,5% năm 2023 mà Quốc hội đề ra là một thách thức vì áp lực lạm phát đang rất lớn.

Một số yếu tố tạo áp lực lạm phát năm 2023 gồm: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát có thể đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao vào năm 2023. Cùng với đó, việc Trung Quốc mở lại nền kinh tế vào quý III/2023 sẽ làm tăng nhu cầu hàng hoá, dịch vụ, đẩy giá hàng hoá thế giới tăng cao.

"Chúng ta nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất, vì vậy giá thế giới tăng sẽ đẩy vào sản phẩm trong nước, tạo áp lực lạm phát cho cả nền kinh tế. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu năm 2022 có mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tạo sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng", bà Oanh nói.

Thống kê cho thấy, dù chịu tác động giảm do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 vẫn tăng 4,55% so với tháng 12/2021. CPI bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lạm phát cơ bản tháng 12/2022 tăng 4,99% so với cùng kỳ năm trước cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 4,55%) - mang tới lo ngại về lạm phát vòng 2 của các yếu tố phi tiền tệ.

Chưa kể tới, năm 2023 có một loạt các loại giá dịch vụ do nhà nước quản lý có thể sẽ tăng theo lộ trình như giáo dục, y tế, điện, tăng lương; một chương trình miễn, giảm thuế, phí cũng sẽ hết hiệu lực từ 2023 - sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, từ đó đẩy vào giá thành sản phẩm.

Áp lực lạm phát cao là trọng tâm ảnh hưởng tới các chính sách tiền tệ, tài khoá trong năm 2023. Khi áp lực lạm phát cao sẽ khiến các nhà điều hành chính sách thận trọng hơn trong cung tiền, tiếp tục thắt chặt thay vì nới lỏng tiền tệ. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề dòng vốn và sức khoẻ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của Việt Nam hiện tại, tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao (8,02% - cao nhất khu vực), lạm phát thấp, thu ngân sách kỷ lục, nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến nghị, cần có một cách tiếp cận rộng hơn với chỉ số lạm phát và ổn định vĩ mô. Theo đó, yêu cầu đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp có "oxy" để thở là tất yếu và cần được đặt ngang bằng với ổn định lạm phát và ổn định vĩ mô.

Nguyễn Hoan/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN