Vì sao nhiều sếp doanh nghiệp từ chối nhận thù lao?

Thù lao không phải là khoản thu duy nhất của các lãnh đạo doanh nghiệp, tuy vậy nhiều sếp vẫn “từ chối” nhận thù lao cho dù điều hành công ty đi lên và mang lại lợi nhuận đều đặn hàng năm. 
Đáng kể nhất đó là một tờ trình trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông chủ Masan - Nguyễn Đăng Quang và các thành viên trong HĐQT có đề xuất ý kiến xin không nhận thù lao. Đây là năm thứ 9 liên tiếp kể từ 2013, ban lãnh đạo Masan duy trì truyền thống không nhận thù lao.
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Tập đoàn FPT đã tiết lộ Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc và ủy viên Thành viên HĐQT Đỗ Cao Bảo là những thành viên HĐQT nhận thù lao 0 đồng trong năm 2020.
4 ủy viên còn lại là có mức thù lao tù 264 triệu đồng đến hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó, 2 ủy viên HĐQT là ông Hamaguchi Tomokazu và ông Dan E Khoo nhận thù lao cao nhất lên tới 2,326 tỷ đồng/năm, tương đương gần 194 triệu đồng/tháng.
Thù lao thành viên Ban kiểm soát của FPT, trưởng ban Nguyễn Việt Thắng nhận 588 triệu đồng/năm, tương đương 49 triệu đồng/tháng, hai thành viên BKS là ông Nguyễn Khải Hoàn và bà Nguyễn Thị Kim Anh nhận thù lao 303,6 triệu đồng/năm, tương đương 25,3 triệu đồng/tháng.
Vi sao nhieu sep doanh nghiep tu choi nhan thu lao?
 Nguồn: BCTC của FPT.
Cũng giống như trường hợp của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đã 7 năm liên tiếp không nhận thù lao.
Ngoài ra, còn có một số thành viên trong HĐQT như ông Nguyễn Bảo Hoàng, ông Tô Hải, ông Huỳnh Richard Lê Minh, ông Nguyễn Quang Bảo và ông Trần Quyết Thắng cũng từ chối nhận thù lao.
Theo bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch HĐQT chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2019: “Gần như từ lúc niêm yết đến giờ Chứng khoán Bản Việt chỉ nhận một năm duy nhất. Chúng tôi vẫn duy trì truyền thống không nhận thù lao, không có một lý do gì cụ thể”.
Vi sao nhieu sep doanh nghiep tu choi nhan thu lao?-Hinh-2
Dàn lãnh đạo không nhận thù lao của VCSC. 
Đáng nói các công ty trên đều thu về lợi nhuận khá lớn trong suốt những năm qua đồng thời dòng tiền khá ổn định, tuy vậy ban lãnh đạo lại không nhận về thù lao cho xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra.
Đơn cử như FPT, trong năm qua năm 2020 doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này đạt lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.261 tỷ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ.
Có được kết quả kinh doanh trên là nhờ việc tập đoàn đã nhanh chóng thích nghi với những bất ổn của nền kinh tế, đề cao việc bảo toàn sức khỏe tài chính doanh nghiệp, đảm bảo dòng tiền ổn định, cắt giảm hoạt động không mang lại doanh thu hay hiệu quả trong ngắn hạn và đặc biệt tập trung đầu tư cho công nghệ lõi...
Còn tại VCSC, doanh thu thuần năm 2020 đạt gần 1.730 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019 và vượt 25% so với kế hoạch năm.
Lãi trước thuế cả năm đạt 951 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019 và vượt 73% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019.
Tại Masan, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 77.218 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 106% so với mức doanh thu 37.354 tỷ đồng của năm 2019. Lợi nhuận thuần phân bổ cho các cổ đông của công ty đạt 1.234 tỷ đồng trong cả năm 2020.
Masan kỳ vọng doanh thu thuần năm 2021 đạt 92.000-102.000 tỷ đồng, cao hơn 20%-30% so với kết quả 2020. Nếu hoàn thành kế hoạch, năm nay sẽ là lần đầu tiên Masan vượt mốc 100.000 tỷ doanh thu.
Song song đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty cũng được HĐQT đề ra tối thiểu 2.500 tỷ, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong kịch bản khả quan nhất, chỉ tiêu lợi nhuận 2021 của Masan được kỳ vọng cán mốc 4.000 tỷ.
Khác với những trường hợp trên, tại Thuỷ sản Hùng Vương do ngập trong thua lỗ nên HĐQT và Ban kiểm soát công ty sẽ không hưởng thù lao trong nhiều năm. Được biết năm 2020 là năm thứ 3 liên tiếp từ 2018, các thành viên lãnh đạo chủ chốt của "vua cá" Hùng Vương, gồm chủ tịch Dương Ngọc Minh không nhận thù lao.
Một số trường hợp ghi nhận trước kia nữa là Du lịch Thành Thành Công (VNG), dù kết quả kinh doanh năm 2016 tăng trưởng nhưng HĐQT VNG quyết định trình cổ đông mức thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và BKS trong năm 2016 và 2017 là 0 đồng.
Cổ đông VNG đã bày tỏ băn khoăn về quyết định đó của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thái Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị NVG khẳng định, khoản thù lao định chi cho Hội đồng quản trị sẽ để dành đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao hình ảnh của Công ty trên thị trường.
HĐQT Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) cũng quyết định không nhận thù lao năm 2016 do không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN