Nhiều “ông lớn” trong diện nghi vấn chuyển giá

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Ðức Phớc, hoạt động chuyển giá đang diễn biến phức tạp, tinh vi, không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá.
 Big C nằm trong diện nghi vấn chuyển giá.
Xuất hiện chuyển giá nội địa
Ngày 19/7, Kiểm toán Nhà nước cùng Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay”. Theo TS. Hồ Ðức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, cách đây khoảng chục năm, chuyển giá ở Việt Nam vẫn là một khái niệm mới lạ thì hiện nay nó đã là hoạt động phổ biến.
Ðáng lưu ý, không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá, làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp này có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Hoạt động chuyển giá đang có diễn biến phức tạp, tinh vi và không ngừng gia tăng, không chỉ ở các doanh nghiệp FDI mà có cả các doanh nghiệp trong nước. Thực tế đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giá, trong đó có hoạt động kiểm toán”, TS. Hồ Ðức Phớc cho hay.
Theo Kiểm toán trưởng, KTNN Chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang đặt ra vấn đề về công tác quản lý các công ty con, công ty liên kết có vốn nhà nước tham gia đầu tư nhưng chỉ nắm dưới 50% vốn điều lệ. Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 508 đơn vị với tổng giá trị trên 760 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm đầu tiên của giai đoạn này chỉ cổ phần hóa được 25 đơn vị. Sang năm 2016, năm đầu tiên thực hiện tiến trình cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã khá hơn với 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt với giá trị doanh nghiệp trên 34 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 24.390 tỷ đồng.
“Với số lượng và giá trị các doanh nghiệp cổ phần hoá, nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc khả năng chuyển giá giữa các công ty con, công ty liên kết ngày càng cao. Từ đó đặt ra yêu cầu và thách thức lớn cho các cơ quan chuyên môn về việc chống chuyển giá”, ông Tuấn cho hay.
Những dấu hiệu của chuyển giá
Theo TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN, những dấu hiệu chuyển giá thường diễn ra ở các doanh nghiệp là nâng khống giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào; giảm giá trị đầu ra của hàng hóa, dịch vụ. Hay nói cách khác là mua giá cao, bán giá thấp, dù lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và phát sinh giao dịch với doanh nghiệp liên kết tại nước ngoài với số lượng, giá trị giao dịch lớn.
Ông Cường dẫn dụ, tại một số địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI kê khai lỗ như Bình Dương, số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ có năm tới 754 doanh nghiệp, trong đó có tới 200 doanh nghiệp lỗ quá vốn chủ sở hữu. Còn tại TP. HCM, Ðồng Nai, tỷ lệ số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ lần lượt là 60% và 52,2%. Với việc báo cáo lỗ, đa phần các doanh nghiệp này không phải đóng thuế, đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất một khoản thu không nhỏ.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, qua khảo sát, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề gia công may mặc, da giày, sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Ðặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP. HCM có kết quả kinh doanh thua lỗ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.
Ðáng lưu ý, mặc dù thua lỗ triền miên, song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Ðiển hình phải kể tới công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, hãng đồ uống này liên tục báo lỗ, không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30% mỗi năm. Ðáng chú ý, dù lỗ lớn nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.
Rõ nét nhất được KTNN chỉ ra gần đây là câu chuyện liên quan đến siêu thị Metro Việt Nam đang được nghi ngờ chuyển giá thời gian qua. Metro được thành lập từ năm 2001, đến nay đã phát triển 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng báo lỗ liên tục, dù doanh thu tăng liên tục hàng năm. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nằm trong diện nghi vấn như: Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam....
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế, thuộc Công ty Deloitte Việt Nam, cho rằng, Việt Nam là một trong số những quốc gia nằm trong khu vực có thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp. Ðiều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có xu hướng chuyển lợi nhuận để tối đa hóa lợi nhuận của mình. Việt Nam đã có những chính sách cụ thể để xử lý việc này. "Nghị định 20/2017/NÐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã tạo nên những thay đổi rất lớn trong “ứng xử” của các doanh nghiệp FDI. Thậm chí, khi có hành động sắp đặt để chuyển giá trót lọt, cơ quan thuế vẫn có quyền truy thu khi thanh kiểm tra”, ông Tuấn cho biết.

                                                                                          Quỳnh Nga

Rõ nét nhất được KTNN chỉ ra gần đây là câu chuyện liên quan đến siêu thị Metro Việt Nam đang được nghi ngờ chuyển giá thời gian qua. Metro được thành lập từ năm 2001, đến nay đã phát triển 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng báo lỗ liên tục, dù doanh thu tăng liên tục hàng năm. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nằm trong diện nghi vấn như: Adidas Group, siêu thị Big C, Công ty PepsiCo Việt Nam, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam...
Theo Luân Dũng/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN