Nhiều công ty Trung Quốc 'núp bóng' cho vay nặng lãi tại Việt Nam

Sau khi sụp đổ tại Trung Quốc, nhiều công ty cho vay ngang hàng đã tràn sang Việt Nam tung hoành với nhiều chiêu thức cho vay để hút khách.

Nhieu cong ty Trung Quoc 'nup bong' cho vay nang lai tai Viet Nam
Một ứng dụng cho vay ngang hàng được quảng cáo trên Facebook

Sau khi sụp đổ tại Trung Quốc, nhiều công ty cho vay ngang hàng (người vay và cho vay thỏa thuận trên mạng không cần gặp mặt) đã tràn sang Việt Nam tung hoành với nhiều chiêu thức cho vay để hút khách trong bối cảnh Việt Nam chưa có khung pháp lý quy định cho mô hình này hoạt động.

Phần lớn công ty Trung Quốc núp bóng?

Chị Ng.T.X. vừa đăng ký hồ sơ trên một trang Facebook vay tiền nhanh để hùn vốn mở quán ăn thì ngay lập tức được một người gọi điện tới nhận là nhân viên tư vấn của công ty tài chính để hỗ trợ. Nữ nhân viên này hỏi rất kỹ về gia cảnh của chị X.: Đăng ký hộ khẩu tại huyện Thanh Trì, Hà Nội; ở cùng mẹ và không đứng tên căn nhà; đang bán hàng cho cửa hàng thời trang tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân; tổng thu nhập 1 tháng là 7 triệu đồng và đứng tên chính chủ một chiếc xe Lead mới mua 6 tháng... Theo những dữ liệu này, chị X. chỉ cần điền vào hồ sơ trên trang web và chụp lại chứng minh thư là được xét duyệt một khoản vay dưới 24 triệu đồng.

Với khoản vay 20 triệu trong 6 tháng, nhân viên này tính luôn lãi và gốc chị X. phải trả là 4 triệu đồng chẵn mỗi tháng (tương đương lãi suất 40%/năm) với điều kiện phải trả đúng hẹn hàng tháng, không trả trước cũng không được trả sau. Trong trường hợp sai hẹn 4 ngày thì từ ngày thứ 5 chị X. sẽ bị phạt thêm 400 nghìn đồng ngoài 4 triệu đồng gốc và lãi hàng tháng nói trên. Dù không cần gặp mặt và ưu điểm là giải ngân nhanh vào tài khoản trong vòng 1 tiếng nhưng lãi cao và phạt rất cao, chưa tính chi phí hồ sơ, phí tư vấn… đã khiến chị X. ngần ngại.

Tiến sỹ Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện ở Việt Nam có khá nhiều công ty cho vay ngang hàng (P2P) theo hình thức kết nối không gặp mặt như trên. Có nghĩa là thông qua một nền tảng công nghệ (tương tự như nền tảng của Grab trong giao thông), công ty trung gian sẽ đứng ra kết nối giữa người cho vay và người cần vay. Hai bên thậm chí không cần gặp mặt, chỉ giao dịch online và đồng ý với các thỏa thuận qua trung gian tài chính thì ngay lập tức sẽ hình thành một giao dịch tín dụng qua phương thức chuyển khoản. Trong vòng hai năm qua, hình thức này trở nên rất phổ biến tại Việt Nam. Đáng chú ý, trong số đó phần lớn là các công ty từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam sau khi hàng loạt công ty P2P tại Trung Quốc sụp đổ vào giai đoạn 2017 - 2018.

Trong khi đó, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, công ty P2P ở Việt Nam có khoảng 40, trong đó chừng 10 đơn vị có vốn Trung Quốc.

Tuy nhiên là người hoạt động trong ngành công nghệ - tài chính nhiều năm và trực tiếp tham gia cung cấp nền tảng P2P, Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình chung quan điểm với ông Hòe: Hàng loạt công ty P2P thuê người Việt Nam làm đại diện pháp luật để dễ bề hoạt động, trong khi ông chủ thực sự đứng sau lại là người Trung Quốc, số lượng ước chừng 70 công ty. Các doanh nghiệp này tham gia thị trường song lại đưa ra các chiêu cạnh tranh “bẩn” như quảng cáo gây nhầm lẫn, lừa dối khách hàng, cho vay lãi suất cao…

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nhiều đơn vị cung cấp nền tảng P2P thường “bắt tay” với các ngân hàng, công ty bảo hiểm, ví điện tử… nhưng chủ yếu là hợp tác trong việc thanh toán, quản lý thanh toán… khiến khách hàng nhầm tưởng hoạt động này đã được bảo hiểm rủi ro và người tham gia yên tâm khi có sự tham gia của ngân hàng, công ty bảo hiểm. Tình trạng lộn xộn này theo ông Bình rất dễ làm “hỏng” thị trường P2P Việt Nam và nguy hiểm hơn nó có thể đẩy mô hình P2P Việt Nam đi vào vết xe đổ vỡ như tại Trung Quốc cách đây 3 năm.

Cả người vay và cho vay đều rủi ro lớn

P2P được coi là một sáng tạo của nền kinh tế chia sẻ trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, nhất là khi nhu cầu vốn theo kênh truyền thống bị hạn chế, nhu cầu vay vốn phi chính thức phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đồng thời nhu cầu đầu tư cũng đang được đa dạng hóa. Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định về mô hình hoạt động P2P. Các công ty đang hoạt đông theo mô hình P2P đều không phải tổ chức tín dụng nên không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cả người cho vay và người đi vay đều chịu rủi ro lớn do hai bên không gặp mặt, hợp đồng vay vốn không được quy định, không có bảo hiểm rủi ro… Tất cả chỉ dừng ở thỏa thuận đôi bên.

Đối với trường hợp công ty P2P kêu gọi góp vốn theo hình thức cộng đồng, TS. Phạm Xuân Hòe cho rằng, cần ngăn cấm vì đây là hành vi trái pháp luật. Tình trạng mô hình P2P biến tướng đã được cảnh báo, ông Hòe khuyến cáo những người ham lợi cao có thể mắc bẫy kẻ lừa đảo như trường hợp công ty Alibaba, để lại hậu quả rất nặng nề. Còn luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, nếu không có quy định cụ thể cho mô hình này mà để nó tự phát sẽ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền cho nền kinh tế khi nguồn tiền nhàn rỗi bị hút vào đây.

Theo Báo giao thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN