Nhiều cổ phiếu ngân hàng vượt đỉnh trong tháng 'sell in May'

Tháng 5 được nhiều nhà đầu tư sợ hãi vì "sell in May", tuy vậy chứng khoán Việt Nam nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng lại thu về kết quả ấn tượng, nhiều cổ phiếu ngân hàng còn đang trên đà tìm đỉnh.
Tính đến kết thúc phiên giao dịch ngày 28/5, 26 mã cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã tăng giá mạnh mẽ so với cuối tháng 4/2021.
Nhiều mã tăng phi mã như BVB của Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) đã tăng từ 13.800 đồng/cp lên 23.000 đồng/cp tương ứng mức tăng 66% trong 1 tháng.
Ngoài ra, SSB của SeABank tăng 45% lên 39.000 đồng/cp; SGB của ngân hàng Saigonbank tăng 48% lên 19.800 đồng/cp.
Nhiều mã khác cũng tăng mạnh trong tháng 5 như TCB của Techcombank, ABB của ABBank, TPB của TPBank, VBB của VietBank...
Các cổ phiếu của ngân hàng lớn như VPB của VPBank, STB của Sacombank, CTG của VietinBank, MBB của MBBank đã tăng mạnh trong các tháng trước tiếp tục tìm đỉnh cao mới trong tháng 5.
Riêng chỉ có "anh cả" VCB của Vietcombank lại giảm nhẹ 0,4% trong tháng qua từ mức 100.000 đồng/cp hồi đầu tháng về 99.600 đồng/cp chốt phiên 28/5.
Nhieu co phieu ngan hang vuot dinh trong thang 'sell in May'
 Thống kê biến động cổ phiếu ngân hàng trong tháng 5/2021.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ biên lãi ròng cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm. Thông tư 03 giúp ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng, quá đó hạn chế tác động đến lợi nhuận trong năm 2021.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng sẽ tăng 24% năm 2021, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 15% và chi phí tín dụng giảm 22 điểm cơ bản.
Thứ hai là câu chuyện tăng vốn. Dự kiến có 16 ngân hàng (tính riêng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research) lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2021.
Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch sẽ tăng 82,7 nghìn tỷ đồng, trong đó 61,7 nghìn tỷ đồng (75%) đến từ cổ tức bằng cổ phiếu/cổ phiếu thưởng; 18,3 nghìn tỷ đồng dưới dạng phát hành riêng lẻ/quyền mua cổ phiếu và 2,6 nghìn tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP (cổ phiếu dành cho người lao động).
Hoạt động tăng vốn sẽ giúp các ngân hàng có khả năng duy trì đà tăng trưởng hiện tại, đồng thời đảm bảo biên độ an toàn của vốn trước tác động của nợ xấu (do dịch bệnh)” – SSI Research nhấn mạnh.
Cuối cùng, văn bản pháp lý mới giúp giãn thời gian trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu. Theo đó, Thông tư 03/2021/NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/NHNN vừa có hiệu lực từ ngày 17/5 vừa qua, quy định việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Văn bản mới cho phép các ngân hàng phân bổ chi phí dự phòng trong vòng 3 năm đối với nợ tái cơ cấu, thay vì trích lập luôn sau tái cơ cấu theo yêu cầu của văn bản cũ.
Động thái này sẽ giúp các ngân hàng phân tán tác động của việc trích lập dự phòng tới lợi nhuận của ngân hàng” – chuyên gia của SSI Research cho hay.
Với chiến lược đầu tư ngắn hạn, theo chuyên gia chứng khoán trên, các nhà đầu tư có thể tìm đến những cổ phiếu có câu chuyện riêng, có chất lượng tài sản vững chắc và kinh doanh hiệu quả hoặc sức hút từ những cổ phiếu mới lên sàn.
Mặc dù tâm lý nhà đầu tư không còn e ngại nhiều trước diễn biến của dịch bệnh Covid, nhưng trong bối cảnh VN-Index đang tiến sát mốc quan trọng, thị trường sẽ có phiên điều chỉnh giảm, đi ngang trước khi bật tăng tiếp.
Do vậy, thời điểm hiện tại các nhà đầu tư nên thận trọng cân bằng tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu. Chỉ nên mua cổ phiếu trong phiên điều chỉnh không nên mua đuổi cổ phiếu đang tăng giá.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN