Nhà nước “cấm cửa” Bitcoin, Đại học FPT nói gì?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định cấm cửa với Bitcoin, Đại học FPT - nơi tuyên bố chấp nhận thu học phí bằng Bitcoin đã có phản hồi.
Bitcoin là một hiện tượng công nghệ, tài chính và hàng hóa mà các trường đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0 phải hướng tới như một đối tượng nghiên cứu.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường Đại học FPT, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh thông tin trường này chấp nhận cho sinh viên đóng học phí bằng loại tiền ảo này.
Nha nuoc “cam cua” Bitcoin, Dai hoc FPT noi gi?
 Du khách nước ngoài giao dịch tại máy ATM chuyên về Bitcoin tại quận 1, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Ông Tùng nói: "Thông báo của chúng tôi chỉ là một thông điệp đối với sinh viên nước ngoài. Thời gian qua, một số sinh viên nước ngoài tại Trường FPT không thể chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí do quy định khắt khe về quản lý ngoại hối tại nước sở tại, thậm chí có một số sinh viên phải nghỉ học dù ở nhà có tiền.
Chúng tôi đã thử tìm một số giải pháp khác nhưng đều không khả thi. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy bitcoin có thể là một giải pháp khả thi nhất cho những sinh viên thuộc diện này".
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo khác tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, thời gian tới trường có tiếp tục thực hiện theo thông báo?
- Trong thực tế, chúng tôi chưa triển khai việc thu học phí bằng Bitcoin. Nhà trường cũng sẽ không giao dịch trực tiếp với sinh viên bằng Bitcoin được, bởi muốn giao dịch trực tiếp bằng Bitcoin đòi hỏi phải có tài khoản và một số yếu tố nữa...
Tuy nhiên, các sinh viên này vẫn có thể sử dụng Bitcoin như một công cụ để đóng học phí bằng cách thông qua các khâu trung gian, chuyển đổi số Bitcoin này thành tiền để đóng học phí mà không gặp khó khăn gì.
Quan điểm của ông về bitcoin như thế nào?
Theo tôi, bitcoin là một hiện tượng công nghệ, tài chính và hàng hóa mà các trường đại học đào tạo nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0 phải hướng tới như một đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu, trải nghiệm...
Khác với dạng tiền tệ truyền thống, bitcoin dựa trên công nghệ và giá trị của đồng tiền này được đo bằng công sức khai thác công nghệ để tạo ra. Nhiều tổ chức, trường học, doanh nghiệp... hiện đã chấp nhận bitcoin như một phương tiện giao dịch trung gian.
Hàng ngàn máy ATM dành cho bitcoin đã được lắp đặt tại nhiều quốc gia. Người ta gọi bitcoin là tài sản ảo vì nó không sờ được, nhưng nó chính xác phải là một tài sản số - một tài sản tồn tại trên không gian số (không gian mạng) - có giá trị và giá trị của nó do thị trường quyết định.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ xử phạt đối với các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, trong đó có Bitcoin, Trường FPT sẽ "ứng xử" với đồng tiền này như thế nào?
- Như tôi đã nói, chúng tôi chưa triển khai thu học phí bằng đồng tiền này. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu về Bitcoin.
Đây là một vấn đề mới của nền kinh tế số mà chúng tôi không muốn thờ ơ... Là một trường đại học đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0.
Việc chuyển thông điệp cho sinh viên về việc có thể sử dụng Bitcoin như một công cụ để đóng học phí cũng là một bước chúng tôi tiến tới gần hiện tượng công nghệ - tài chính này để nghiên cứu, tìm hiểu về nó.
Ông có kiến nghị gì đối với các cơ quan quản lý nhà nước về các quy định liên quan đến bitcoin?
- Trước những vấn đề mới nảy sinh, những mô hình mới xuất hiện, theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có những quy định quản lý phù hợp. Chẳng hạn, tại Việt Nam đã diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến Bitcoin, nhất là giao dịch, chuyển nhượng.
Do đó, tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước sớm có quy định về Bitcoin, vì nếu không có tức là chúng ta để nó hoạt động mà không chịu sự điều tiết, quản lý của luật pháp.
Khi không quản lý cũng không thu được thuế, phí... và cũng không tránh được những tình huống Nhà nước không mong muốn.
Theo Thanh Hà/Tuổi trẻ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN