Nhà đầu tư làm gì sau phiên thanh khoản 'bùng nổ' gần 50.000 tỷ đồng?

Thị trường chứng khoán phiên ngày 18/3 xảy ra hiện tượng bán tháo, VN-Index đã có thời điểm mất đến 30 điểm, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như BID, GVR, VCB, CTG… chìm trong sắc đỏ.

Nha dau tu lam gi sau phien thanh khoan 'bung no' gan 50.000 ty dong?

Nhà đầu tư không nên vội vàng mua bán sau phiên giảm điểm mạnh. Ảnh: Trọng Hiếu

Tuy nhiên, lực cầu vào bắt đáy giúp thị trường phục hồi. VN-Index chốt phiên còn giảm 20.22 điểm xuống 1.243,56 điểm. Thanh khoản thị trường bùng nổ đạt 47.900 tỷ đồng, riêng sàn HoSE là 43.126 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm 3.400 tỷ đồng và khớp lệnh 44.500 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Khối Khách hàng Cá nhân Maybank Investment Bank (MSVN) chia sẻ đà giảm của thị trường đã bắt đầu từ nhiều phiên trước sau đà tăng mạnh trong hơn 2 tháng qua.

Mặt khác, thị trường cũng xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực như nước ngoài duy trì trạng thái bán ròng và lực bán ngày càng gia tăng. Thứ 2, tỷ giá đang có diễn biến nóng hơn, mặc dù NHNN đã có động thái hút tín phiếu nhưng vẫn tạo tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tuần 18/3 – 22/3 còn là tuần diễn ra hoạt động đáo hạn phát sinh, trong quá khứ ở thời điểm diễn ra đáo hạn phái sinh thị trường sẽ có diễn biến khó lường.

Điểm sáng cho phiên 18/3 là lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp khá tốt, dù không đủ để kéo thị trường nhưng cũng giảm bớt sự tiêu cực.

Chuyên gia đến từ MSVN cho rằng trong ngắn hạn thị trường vẫn còn giằng co do thời điểm này có nhiều thông tin nhạy cảm ảnh hưởng, trong đó bao gồm thời điểm đáo hạn phái sinh. Nhà đầu tư không nên vội vàng mua bán ở thời điểm hiện nay, thay vào đó nên duy trì tỷ trọng tiền và cổ phiếu cân bằng. Đồng thời, nhà đầu tư nên chờ đợi việc kiểm tra lại vùng hỗ trợ cứng 1.235 điểm, nếu giữ được thì có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu từ phiên 21/3 trở đi. Trong trường hợp, lực bán mạnh và mất vùng hỗ trợ 1.235 điểm thì nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu để phù hợp rủi ro thị trường.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Lâm khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh tốt. Mùa đại hội cổ đông đang đến, những thông tin về triển vọng kinh doanh sẽ được tiết lộ và nhà đầu tư có thể lựa chọn doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi. MSVN ưu tiên nhóm cổ phiếu dầu khí, xuất khẩu (thủy sản, may mặc).

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VICK – đơn vị tư vấn tài chính cá nhân cho rằng lượng cung hàng phiên 18/3 lớn nhưng lực cầu cũng lớn. Điều đó cho thấy khó có thể xảy ra hiện tượng đổ vỡ lớn, chỉ cần tìm được điểm cân bằng cùng thông tin chính thức thì thị trường sẽ phục hồi trở lại theo đúng xu hướng vĩ mô cải thiện hiện nay.

Đây còn mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tham gia khi thị trường điều chỉnh về vùng giá hấp dẫn hơn. Ở bức tranh dài hạn, trong 2 năm tới 2024 – 2025, thị trường chứng khoán sáng nhờ nhiều yếu tố, trong đó có ý chí nâng hạng thị trường của Chính phủ. Xét trung hạn trên 6 tháng, thị trường chứng khoán được củng cố bởi yếu tố vĩ mô, nền kinh tế phục hồi, triển vọng Fed giảm lãi suất…

Ông Điệp lưu ý nhóm ngân hàng đã có sự điều chỉnh trong thời gian qua và có thể thu hút dòng tiền sắp tới, trở thành nhóm dẫn dắt cho thị trường phục hồi. Ngưỡng 1.210 - 1.220 là ngưỡng hỗ trợ lớn mà nhà đầu tư nên tham gia.

Theo Mỹ Hà/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN