Nhà đầu tư Cocobay Đà Nẵng căng băng rôn, vây hội sở SHB đòi quyền lợi

Nhiều chủ sở hữu sản phẩm tại Cocobay Đà Nẵng của Thành Đô yêu cầu SHB, ngân hàng bảo lãnh độc quyền của dự án, thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và có chính sách hỗ trợ khi bên chủ đầu tư đơn phương chấm dứt cam kết trả lợi nhuận 12%/năm. 

Ngày 7/5, khoảng 30-40 nhà đầu tư sở hữu sản phẩm (chủ sở hữu) của dự án Cocobay Đà Nẵng tập trung tại hội sở chính SHB (77, Trần Hưng Đạo, Hà Nội) yêu cầu đối thoại và giải quyết quyền lợi sau 6 tháng bị CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô chấm dứt thu nhập cam kết 12%/năm.

Bà Đặng Thị Minh Điểm, đại diện nhóm chủ sở hữu, có mặt tại hội sở SHB cho hay nhiều người bất bình trước cách ứng xử của ngân hàng với tư cách là ngân hàng bảo lãnh độc quyền cho dự án Cocobay. Người này cho biết buổi biểu tình nhằm 4 mục đích, từng được đề nghị nhiều lần với ngân hàng.

Nha dau tu Cocobay Da Nang cang bang ron, vay hoi so SHB doi quyen loi
Nhiều nhà đầu tư tập trung trước NHNN chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Lê Hải. 

 

Đề nghị thứ nhất là yêu cầu phía ngân hàng làm rõ trách nhiệm bảo lãnh tiến độ. Thứ hai là làm rõ dòng tiền của dự án. Thứ ba là đứng ra tổ chức đối thoại 3 bên gồm chủ đầu tư, ngân hàng và chủ sở hữu, đề nghị SHB khoanh nợ, miễn lãi trong thời gian chưa tìm tiếng nói chung. Cuối cùng là yêu cầu ngân hàng phối hợp thực hiện nguyện vọng của chủ sở hữu là thanh lý hợp đồng với Thành Đô hoặc nhận bàn giao sản phẩm.

Theo lập luận của nhóm chủ sở hữu, SHB đã không thực hiện đúng cam kết bảo lãnh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại dự án Cocobay Đà Nẵng, SHB chỉ cam kết bảo lãnh đến ngày chủ đầu tư bàn giao nhà. Trong khi đó, Điều 12, Khoản 2, Thông tư 07/2015 của NHNN nêu rõ cam kết bảo lãnh phải có hiệu lực đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày từ ngày bàn giao nhà cho bên mua.

Nhóm chủ sở hữu cho rằng trách nhiệm của SHB còn nằm ở khâu thẩm định các yếu tố pháp lý, năng lực của chủ đầu tư trước khi đứng ra cam kết bảo lãnh cho dự án.Về việc quản lý dòng tiền, bà Điểm cho biết đa số các cụm dự án ở Cocobay Đà Nẵng đều không tiếp tục xây dựng, đã hoàn thành khoảng 70-80% tiến độ. Trong khi đó, bên mua đã đóng tiền theo yêu cầu, có người đã đóng 95% giá trị sản phẩm.

“Câu hỏi là SHB đã quản lý dòng tiền như thế nào, số tiền còn lại đang ở đâu? SHB phải thu hồi về, cấn trừ số nợ nhà đầu tư còn phải trả cho ngân hàng”, bà Đặng Thị Minh Điểm nói.

Hiện nay, lãi suất tiền gửi 13 tháng cao nhất tại SHB là 9,2%/năm áp dụng với khoản tiền gửi có giá trị trên 500 tỷ đồng.

Mặt khác, đại diện nhóm nhà đầu tư cũng phản ánh SHB cho vay tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cao nhất cộng biên độ, khoảng 13-14%/năm. Tuy nhiên, theo nhóm chủ sở hữu, mức lãi suất 13 tháng cao nhất của SHB là vô lý do hiếm có khách hàng nào gửi số tiền trên 500 tỷ đồng.

“Vừa qua, SHB đã thực hiện giảm lãi suất 0,3-0,8% với một số nhà đầu tư nhưng mức này vẫn quá cao”, bà Điểm nói.

Ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng giám đốc và một số nhân viên SHB đã gặp đại diện các chủ sở hữu. Ông Tài cho biết sẽ ghi nhận phản ánh và ý kiến của chủ sở hữu, khẳng định ngân hàng cũng chịu thiệt hại trong sự việc liên quan đến Thành Đô.

Phía SHB cũng đề cập ngân hàng đang thúc đẩy quá trình thanh lý hợp đồng giữa Thành Đô và nhà đầu tư. Về nghiệp vụ, Thành Đô phải bổ sung tài sản đảm bảo, SHB mới có thể giải ngân tiền cho công ty trả cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay công ty đang khó khăn, chậm bổ sung tài sản đảm bảo nên quá trình này diễn ra dù đang được thực hiện từ tháng 3 tới nay.

Buổi nói chuyện kéo dài hơn 3 tiếng nhưng không tìm được hướng giải quyết. Phía ngân hàng từ chối tổ chức buổi đối thoại tiếp theo.

Nha dau tu Cocobay Da Nang cang bang ron, vay hoi so SHB doi quyen loi-Hinh-2
 Phó Tổng giám đốc Nguyễn Huy Tài (đầu tiên bên trái) gặp gỡ nhóm nhà đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng. Ảnh: Lê Hải.

Sau hơn 3 tháng tranh chấp, đến tháng 2/2020, 3 chủ sở hữu sản phẩm của dự án Cocobay Đà Nẵng gồm bà Đặng Thị Minh Điểm, Nguyễn Thị Mai Lan và ông Trần Công Hoan cho biết đã bị Thành Đô đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra là 3 cá nhân này không chọn phương án giải quyết theo đúng thời hạn mà chủ đầu tư yêu cầu.

Dự án Cocobay Đà Nẵng được khởi công vào giữa năm 2016, chia thành nhiều giai đoạn đầu tư. Tổng diện tích dự án hơn 31 ha, bao gồm nhiều loại hình bất động sản như biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, condotel và tiện ích như trung tâm hội nghị, phòng chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

Ban đầu, Thành Đô cam kết lợi nhuận 12%/năm trong 8 năm đầu tiên với khách hàng sở hữu condotel. Đến tháng 11/2019, chủ đầu tư thông báo ngừng chính sách cam kết lợi nhuận bắt đầu từ 1/1/2020 do khó khăn về mặt tài chính, đồng thời đưa ra hướng giải quyết cho khách hàng gồm chuyển đổi các căn hộ condotel thành chung cư; thanh lý hợp đồng tự kinh doanh, thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền, tự đề xuất giải pháp hợp lý hơn.

Trả lời Người Đồng Hành sau khi Thành Đô tuyên bố chấm dứt chi trả thu nhập, đại diện truyền thông SHB cho biết quyền kinh doanh là của chủ đầu tư. Thỏa thuận giữa chủ đầu tư với khách hàng và quyền kinh doanh của chủ đầu tư thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Luật Dân sự. Do đó, việc giải quyết các vấn đề khúc mắc, các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, với tinh thần hỗ trợ khách hàng, SHB sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giải quyết nếu cần.

Về việc cho vay mua nhà tại dự án Cocobay, phía SHB khẳng định thực hiện trên cơ sở tuân thủ đúng quy định của pháp luật, khách hàng cá nhân có tình hình tài chính lành mạnh, tài sản đảm bảo theo quy định, nguồn thu đủ để đảm bảo trả nợ gốc và lãi khoản vay.

Nhà băng này cũng khẳng định đã thẩm định, giải ngân tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, quy định của NHNN và quy định của bản thân SHB. Các khoản vay đều có tài sản đảm bảo đầy đủ.

SHB cũng là ngân hàng tài trợ vay vốn với chủ đầu tư triển khai dự án Cocobay Đà Nẵng, trên cơ sở dự án đầy đủ điều kiện về pháp lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, ngân hàng đã thẩm định dự án khả thi, hiệu quả và đủ điều kiện để quản lý dòng tiền bán hàng, tài sản đảm bảo, tiến độ dự án, đảm bảo an toàn vốn vay.

Theo Thủy Tiên-Lê Hải/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN