Theo báo cáo ngành ngân hàng vừa được VCBS công bố, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 8,7% tính tới thời điểm cuối tháng 10/2021, cao hơn so với mức tăng trưởng 7,6% cùng kỳ 2020. Nhu cầu tín dụng hiện tại ở mức tích cực và kỳ vọng đạt 13% cho cả năm 2021.
NHNN đã thực hiện nới room tăng trưởng tín dụng 2 lần vào quý 3 và quý 4. Do room tín dụng cấp đầu năm ở mức tương đối thấp, nhiều ngân hàng đã thực hiện xin cấp bổ sung và được NHNN nới room 2 lần trong năm 2021.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng hiện chưa được nới room ở đợt cấp mới quý 4/2021 do NHNN vẫn đang tiếp tục xem xét.
Các tiêu chí xét duyệt tín dụng của SBV có thể kể đến như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Basel III, IFRS 9,...), mức độ hỗ trợ xã hội trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn (thông qua miễn giảm lãi suất và phí).
VCBS cho rằng các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như Techcombank (TCB), TPBank (TPB), VPBank (VPB), MBB, ACB, HDBank (HDB), VIB, MSB,... sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.
VCSC cũng cho rằng, nhu cầu tín dụng duy trì tích cực, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13 – 15% năm 2022.
Còn BSC cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021, và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13.0% là có thể đạt được.
Trong năm 2022, BSC cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 13% được hỗ trợ bởi (1) tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh, (2) gói hỗ trợ có thể lên đến 800,000 tỷ đồng trong 2-3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.