Bất ngờ thay đổi loạt thành viên HĐQT, người mới đến từ đâu?
Theo đó, HĐQT PGS trình cổ đông việc miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Vũ Quý Hiệu đã có đơn xin từ nhiệm và ông Đỗ Tấn do hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2019. Do đó, PGS dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2024.
Theo PGS, trong tháng 9/2019, do có sự thay đổi về nhân sự và để đảm bảo việc quản trị và điều hành công ty được ổn định, HĐQT đã có các quyết định về thay đổi nhân sự trong ban điều hành. Cụ thể, ông Vũ Quý Hiệu sẽ thôi chức Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân. HĐQT bổ nhiệm Thành viên HĐQT kiêm Phó giám đốc Trần Văn Nghị giữ chức Giám đốc kể từ ngày 12/9/2019.
Đáng nói, có hai nhóm cổ đông kiến nghị bổ sung vào chương trình đại hội bất thường lần này việc bãi nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Ngọc Anh và ông Trần Văn Nghị.
Danh sách ứng viên để bầu vào HĐQT PGS cũng vừa được cập nhật là ông Nguyễn Hoàng Giang, ông Nguyễn Ngọc Luận và ông Hồ Phạm Quang Phương.
Trong đó, ông Nguyễn Hoàng Giang (sinh năm 1986, tại Hà Nội) hiện đang giữ chức vụ Thành viên hội đồng quản trị và chức danh quản lý khác tại CTCP Chứng khoán VNDirect (VND), CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) và CTCP Đầu tư ngành nước DNP.
Đồng thời, ông Hồ Phạm Quang Phương (sinh năm 1989, Hà Nội) cũng đang công tác tại VNDirect.
Còn ông Nguyễn Ngọc Luận (sinh năm 1977, TP HCM) hiện đang là Trưởng ban pháp chế Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM) và Thành viên HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Hưng Thắng. Cổ đông Phạm Thị Thanh Thủy chính là người đã đề cử ứng viên này.
Các ứng viên này đều không sở hữu cổ phần PGS. Còn cổ đông Phạm Thị Thanh Thủy không có bất kỳ thông tin gì về người này.
Ở một động thái khác, Ủy viên HĐQT PGS Hà Anh Tuấn đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu PGS trong thời gian qua. Giao dịch gần đây nhất là vào giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 vị này đã bán sạch 6.157 cổ phiếu còn lại.
|
PGS chiếm 36% thị phần LPG phía Nam chính là "miếng mồi ngon"
|
Lại trình phương án phát hành hơn 16 triệu cổ phần cho GAS với giá thấp hơn thị giá
Ngoài ra, PGS tiếp tục trình cổ đông kế hoạch phát hành 16,1 triệu cổ phiếu với giá 23.409 đồng/cổ phần. Tương ứng tổng khối lượng huy động dự kiến gần 377 tỷ đồng.
Theo PGS, mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm công cụ dụng cụ (vỏ bình...). Đối tượng chào bán chính là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS).
Hiện, GAS đang nắm hơn 17,63 triệu cp PGS, tương ứng 35,26% vốn. Dự kiến nếu phát hành, GAS sẽ tăng sở hữu lên 33,7 triệu cp, chiếm 51,03% vốn PGS và chính thức trở thành công ty mẹ.
Tuy nhiên trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên tháng 4, phương án phát hành này đã không được cổ đông thông qua.
Theo giải thích của ban lãnh đạo PGS khi đó, sở dĩ Công ty chọn GAS để phát hành riêng lẻ vì mục tiêu của GAS là muốn tăng sở hữu lên 51% để thực hiện các chính sách và phương án hỗ trợ cho công ty con trong thời gian tới, đặc biệt là triển khai công tác bán lẻ. Ngoài ra, GAS chính là đơn vị cung cấp khí đầu vào cho PGS...
Còn về mức giá phát hành thấp hơn thị giá do được xác định theo giá trị sổ sách, chiết khấu dòng tiền và giá giao dịch. Hiện cổ phiếu PGS đang giao dịch tại mức giá 34,000 đồng/cổ phiếu chốt phiên 25/10.
|
Biến động cổ phiếu của PGS trong vòng 3 năm qua (nguồn BVSC)
|
Ngoài PGS, hiện PV Gas cũng đang nắm chi phối 51,31% vốn của đơn vị cùng ngành với PGS chính là CTCP Kinh doanh khí miền Bắc (HNX: PVG).
Trước đó, GAS đều có kế hoạch mua thêm cổ phần của PGS cũng như PVG để trở thành công ty mẹ và hoạt động này đã thành công tại PVG.
PGS chiếm 36% thị phần LPG phía Nam chính là "miếng mồi ngon"
Về tình hình kinh doanh, năm 2018, sản lượng LPG của PGS đạt 302.943 tấn, vượt 2% kế hoạch năm. Sản lượng vỏ bình sản xuất mới năm 2018 là 378.739 vỏ bình, vượt 2% kế hoạch năm và tăng 102% so với năm 2017.
Còn sản lượng CNG năm 2018 đạt 134,4 triệu m3, vượt 7,6% so với kế hoạch và tăng trưởng 8,5% so với thực hiện năm 2017.
Từ đó, tổng doanh thu cả năm 2018 của PGS là 6.604 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch và tăng 8% so năm 2017. Lợi nhuận trước thuế 137 tỷ đồng, vượt nhẹ 1% kế hoạch.
Năm 2018, PGS chiếm 36% thị phần LPG dân dụng phía Nam, tiếp theo chính là SaigonPetro với 15%.
Năm 2019, PGS xây dựng kế hoạch thận trọng hơn dựa trên giá dầu thô 65 USD/thùng, giá CP là 489 USD/tấn. Trong đó, sản lượng khí hóa lỏng LPG tăng nhẹ 3,2% nhưng khí nén CNG lại giảm gần 3% so với năm 2018. Tương tự, chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận cũng giảm, riêng lợi nhuận trước thuế giảm khá mạnh với 25%, còn 103 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của PGS chỉ ở mức 74,5 tỷ đồng, giảm mạnh so mức 100,7 tỷ của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ còn 59 tỷ đồng, giảm so mức gần 81 tỷ của cùng kỳ.
PGS đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt sản lượng LPG là 300.000 tấn/năm, chiếm 40% thị phần phía Nam; sản lượng khí nén CNG đạt mức 150 triệu m3/năm, chiếm 60% thị phần CNG khu vực phía Nam.