Gỗ Trường Thành cho biết năm 2020, theo thỏa thuận chuyển giao tài sản, gia đình ông Võ Trường Thành đồng ý chuyển giao 12,6 triệu cổ phiếu TTF cho công ty để khắc phục một phần thiệt hại. Sau thỏa thận chuyển giao tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản giải tỏa tài sản để hai bên thực hiện thủ tục chuyển giao tài sản.
Cũng trong năm 2020, Gỗ Trường Thành nhận hơn 12,6 triệu cổ phiếu TTF từ gia đình ông Võ Trường Thành. Sau đó, từ tháng 8-12/2020, Gỗ Trường Thành đã bán gần 8,9 triệu cổ phiếu TTF nhận được từ gia đình ông Võ Trường Thành nói trên. Đến tháng 3/2021, Công ty tiếp tục bán hơn 3,7 triệu cp còn lại từ số cổ phiếu được bồi thường.
Tất cả giao dịch đều được thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn. Sau giao dịch, số cổ phiếu quỹ còn lại của Gỗ Trường Thành là 15.815 cổ phiếu, đây là số cổ phiếu quỹ của Công ty có từ trước khi nhận bồi thường.
Tuy nhiên, tháng 10/2020, Gỗ Trường Thành mới có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của UBCKNN về việc hạch toán số cổ phiếu này. Tháng 11/2020, UBCKNN đề nghị Gỗ Trường Thành xin ý kiến hướng dẫn từ Cục quản lý giám sát kế toán kiểm toán - Bộ Tài chính. Đến ngày 15/1/2021, Cục quản lý giám sát kế toán kiểm toán - Bộ Tài chính đã hướng dẫn Gỗ Trường Thành hạch toán số cổ phiếu nhận bồi thường vào cổ phiếu quỹ của Công ty.
Giải trình về việc bán hơn 12,6 triệu cổ phiếu quỹ nhưng không công bố thông tin, Gỗ Trường Thành cho rằng bản chất của việc ông Võ Trường Thành chuyển giao cổ phiếu là nhằm khắc phục thiệt hại chứ không phải giao dịch mua bán thông thường. Do đó, Gỗ Trường Thành cho rằng việc bán cổ phiếu là bán tài sản nhằm khắc phục thiệt hại chứ không phải chủ trương của Công ty nhằm thay đổi số cổ phiếu đang lưu hành. Ngoài ra, Công ty cũng không tìm thấy trường hợp nào tương tự để làm cơ sở tham chiếu. Do đó, Công ty không nhận thức được phải báo cáo giao dịch với HOSE và công bố thông tin theo quy định.
Trước đó, năm 2016, cổ đông của Gỗ Trường Thành đã thông qua phương án khắc phục hậu quả của ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn do quản lý yếu kém.
Theo kế hoạch, tài sản khắc phục hậu quả của ông Võ Trường Thành và con trai là ông Võ Diệp Văn Tuấn gồm hơn 15,4 triệu cổ phiếu TTF.
Ngoài ra, tài sản khắc phục hậu quả của hai cá nhân trên còn là phần vốn góp tại một số công ty với tổng giá trị gần 57,4 tỷ đồng gồm CTCP Trường Thành, CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành, Nông Lâm Nghiệp Trường Thành, Phú Hữu Gia, Trường Thành Xanh...
Sau khi hoàn thành việc chuyển giao tài sản, Gỗ Trường Thành sẽ có văn bản miễn toàn bộ trách nhiệm bao gồm trách nhiệm pháp lý và đồng thời HĐQT làm việc với Tân Liên Phát ra văn bản bãi nại cho ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn trong vòng 3 ngày kể từ khi hoàn thành chuyển giao xong toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả.
Gỗ Trường Thành từng là công ty chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam cả về năng lực sản xuất và vùng nguyên liệu, nhận được nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các dự án bất động sản lớn…
Năm 2012 và 2013, Gỗ Trường Thành thua lỗ do đầu tư dựa nhiều vào vốn vay, trong khi lãi suất thị trường tăng cao, còn đầu ra gặp khó khăn.
Sau khi tái cấu trúc nợ thành công và báo lãi tăng trưởng đột biến năm 2014 và 2015, Gỗ Trường Thành trở thành mục tiêu M&A của Tập đoàn Vingroup.
Tuy nhiên, cổ đông bất ngờ nhận cú sốc khi Công ty bị phát hiện sai lệch trọng yếu trong hàng tồn kho và khoản phải thu, dẫn đến thua lỗ gần 1.300 tỷ đồng trong năm 2016.
Trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi lỗ lũy kế ăn mòn đến 97% vốn điều lệ, Gỗ Trường Thành lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2017. Kết quả, Công ty phát hành được 70 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.446 tỷ đồng lên 2.146 tỷ đồng.
Cuối năm 2018, tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ tăng trở lại 98% khi Gỗ Trường Thành lỗ thêm 805 tỷ đồng do tiếp tục phải trích lập dự phòng phải thu và tồn kho.
Công ty thoát “án” hủy niêm yết cũng như tình trạng âm vốn điều lệ nhờ một chủ nợ miễn giảm nợ gốc và lãi vay gần 200 tỷ đồng.
Trong năm 2019, Gỗ Trường Thành phát hành riêng lẻ gần 95,6 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh (STT), tăng vốn lên 3.112 tỷ đồng, đồng thời thay đổi nhân sự cao nhất trong Hội đồng quản trị.
Dàn lãnh đạo mới với ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT đã mất nhiều năm khắc phục hậu quả cũng như huy động thêm vốn, mục tiêu giải quyết 2 vấn đề là hàng tồn kho và nợ vay. Đến cuối năm 2021, Gỗ Trường Thành công bố đã hết nợ, tín dụng trở lại bình thường. Về vấn đề hàng tồn kho, Chủ tịch HĐQT cho biết việc xử lý sẽ được hoàn thành trong quý 2/2022.