Người Việt sang Úc hành nghề mát-xa đấm bóp, kiếm 300 đô mỗi ngày

Sang Australia, anh Cương cố gắng học thêm nghề bấm huyệt. Lấy được bằng nghề, hàng tuần anh mở cửa hàng ở chợ phiên để có thêm thu nhập và để quảng bá cho nhiều người biết.
Bấm huyệt, massage
Chợ phiên Brisbane city, Australia vốn là phiên chợ dân dã. Mỗi tuần họp một lần vào ngày thứ Bảy, chợ luôn thu hút khá đông khách.
Ghé vào một hàng cà phê. Người đứng uống nhiều và người mua mang đi cũng không ít. "Anh người Việt?", một chị đứng cạnh hỏi tôi.
Chị nở nụ cười thật tươi: "Uống cà phê được trò chuyện với đồng hương thì còn gì vui bằng. Cà phê ở Australia không giống ở Việt Nam nhưng uống lâu ngày rồi cũng thành quen".
Nguoi Viet sang Uc hanh nghe mat-xa dam bop, kiem 300 do moi ngay
Cà phê đứng. 
Chị tên Minh Nguyệt, quê ở Quảng Ngãi. Chị qua đây đoàn tụ với con đã nhiều năm nay. Chị không đi làm mà ở nhà chăm cháu. Hôm nay thứ Bảy, rảnh rỗi chị ra đây vừa đi chợ vừa thư giãn...
Chuyện trò với chị Nguyệt khá thú vị. Nhờ ở gần nên chị biết nhiều về chợ phiên này. Chị hỏi tôi: "Anh có biết ở chợ này có một gian hàng độc nhất làm dịch vụ về y tế không?". Tôi trố mắt nhìn chị. Chị mỉm cười, loại dịch vụ này ở Australia ít có người làm.
Gian hàng này do chính một người Việt đảm trách. Chị kể tiếp: "Tuổi già, ai xương cốt cũng có vấn đề. Anh này chuyên về bấm huyệt và đấm bóp. Anh làm rất bài bản rất khoa học. Thỉnh thoảng tôi cũng nhờ anh giúp cho chứ không thì mỏi mệt lắm".
Nghe lời chị, chúng tôi tìm đến. Quả đúng như thế, cả chợ này chỉ có duy nhất một gian hàng làm dịch vụ này. Gian hàng rất đơn giản, một tấm bảng với dòng chữ Sam Acupressure Massage Mobile Service (dịch vụ bấm huyệt, đấm bóp Sam) ở trên cùng.
Trước gian hàng là chiếc bàn con và một ghế chuyên dùng. Một bức màn giăng ngang che kín chiếc giường bên trong.
Người chủ của hàng đang có khách. Khách là người đàn ông lớn tuổi, da trắng đang cởi trần ngồi trên chiếc ghế. Mặt ông ta úp vào một thiết bị hình tròn. Người chủ của hàng - anh Nguyễn Văn Cương, 40 tuổi quê Hải Dương - đang nắn bóp tay cho ông.
Anh Cương đang chăm chú làm việc. Bàn tay anh thật mềm mại điểm đúng những huyệt trên người khách hàng.
Nguoi Viet sang Uc hanh nghe mat-xa dam bop, kiem 300 do moi ngay-Hinh-2
Anh Cương đang bấm huyệt cho khách. 
Theo lời anh kể, trước khi qua Australia định cư anh làm nghề đông y chuyên bấm huyệt. Năm 2006, có đợt xuất khẩu lao động cần thợ làm bánh mì. Anh xin đi nên đã phải trải qua một thời gian để học nghề và kết quả anh đã đạt trong đợt ứng tuyển.
Trên đất khách, anh đã hết sức cố gắng để từ một người thợ phụ chỉ sau một năm anh trở thành thợ chính và làm trưởng ca đêm điều hành 5 người thợ. Do làm đêm quá vất vả anh xin chuyển sang một siêu thị tiếp tục giữ vai trò thợ chính trong lò bánh mì.
Trong thời gian này, anh cố gắng học thêm nghề bấm huyệt do người Australia giảng dạy. Lấy được bằng nghề, hàng tuần anh mở cửa hàng ở chợ phiên để có thêm thu nhập và để quảng bá cho nhiều người biết.
Anh Cương cho biết thêm, mỗi ngày làm ở chợ có thể kiếm được khoảng 300 đô Australia. Làm ở đây nhiều người biết xin số điện thoại mời anh về nhà phục vụ. Nhờ vậy anh có thêm nguồn thu cải thiện đời sống gia đình. Vợ anh làm việc ở một nhà hàng. Anh chị có 2 cháu, cháu lớn đang theo học lớp 8.
Những người Việt xa quê ai cũng phải lao động hết sức vất vả mới có được miếng ăn. Nhìn anh Cương, anh Hải, những người lao động ở chợ phiên Brisbane city chúng tôi không khỏi thán phục nghị lực vượt khó của các anh nơi đất khách quê người.
Những sạp dâu ế
Bên trong chợ, càng về trưa khách càng đông. Nhiều sạp hàng bàn không ngơi nghỉ. Thế nhưng tại những gian hàng nông sản, sạp dâu tây vẫn đầy ắp nhưng ít người ghé lại.
Chúng tôi vô tình cùng một người phụ nữ bước đến. Chị cầm lên một hộp. Nhìn bảng giá, 5$/2 hộp, chị quay lại nói với chúng tôi: "Giá rẻ lắm rồi".
Chị là Thu Phương, định cư lâu năm tại Australia, cho biết, dâu tây là một đặc sản của Australia. Rất nhiều người thích ăn dâu nhưng gần đây đã xảy ra một sự cố làm nhiều người lo ngại.
Chị kể cho chúng tôi nghe về anh Hoani Hearne (21 tuổi) đã cắn trúng một cây kim may khi ăn một quả dâu tây mua tại Strathpine Centre Woolworths, cách Brisbane khoảng 20km.
Thông tin lan truyền, ngay lập tức siêu thị này ngừng bán dâu tây. Sau đó dâu tây Berry Obsession và Berrylicious được mua ở Queensland, New South Wales và Victoria đều bị thu hồi.
"Cũng vì thế - chị Phương nói tiếp - dâu bày bán ở các chợ đều không được bà con ủng hộ dẫn đến tình trạng ế ẩm chưa từng có. Nếu trước đây giá dâu giao động từ 10 - 15$/kg thì nay tại chợ phiên chỉ còn 5$. Vậy mà cũng chẳng ai mua".
Chúng tôi cầm hộp dâu, trái lớn tươi rói. Đôi vợ chồng lớn tuổi người bản xứ ghé vào. Bà cầm hộp dâu tỏ vẻ hài lòng và nói muốn trồng được trái dâu như thế nay đòi hỏi công sức khá nhiều.
"Nghề nông rất vất vả nên chúng tôi sẽ mua để giúp đỡ họ... Ở đâu cũng thế, nghề nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời luôn gặp những chuyện không may mắn", người phụ nữ nói.
Chợ phiên Brisbane city luôn nhộn nhịp. Dòng người mang nhiều quốc tịch vào chợ càng đông hơn. Trong chợ, thức ăn tươi như cá, thịt, hải sản các loại được trưng bày trong những xe đông lạnh.
Món ăn của các vùng miền, các quốc gia tỏa mùi mời gọi khách. Các gian hàng quần áo, đèn cầy, nón hấp dẫn nhiều người.
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến một gian hàng rất trống trải và trầm lặng. Vỏn vẹn 3 chiếc ghế, phía trên có tấm bảng: "Se chân mày chỉ có 13$".
Hai thợ nữ dường như gốc người châu Á đang chăm chút cho 3 vị khách, mặc cho bao người qua lại.
Một sợi chỉ, hai tay người thợ lăn đều trên mặt khách. Người khách nào cũng lim dim đôi mắt. Có lẽ những động tác đó đã ru họ vào giấc mộng...
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN