Nghề "lạ" ở Bình Phước: Đi lang thang "ngửi mít thuê" cũng ra tiền

Anh Lê Văn Trung quê gốc Hà Nội, sinh sống tại xã Bù Na, huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước có nghề lạ là cứ lang thang đi "ngửi mít thuê" cho các tiểu thương trong vùng mà kiếm cũng ra tiền...
Mít Thái cho thu 2 lứa/năm, mỗi lứa kéo dài 2-4 tháng, giá bán tại vườn khá cao và ổn định, khoảng 10-15 ngàn đồng/kg nên mỗi khi vào mùa thường được thương lái tới tận vườn thu gom. Đáng chú ý, trong số những người tới mua mít có người hành nghề lạ “ngửi mít thuê”.
 Lang thang vào các nhà vườn trồng mít Thái, vừa mua mít để chạy buôn chuyến, vừa nhận "ngửi mít thuê" cho các tiểu thương là niềm vui "cũng ra tiền" của anh Ngọc.
Anh Lê Văn Trung quê gốc Hà Nội, sinh sống tại xã Bù Na (Bù Đăng) đã 17 năm. Cách nay khoảng 10 năm, anh buôn hàng trái cây từ chợ Đồng Xoài lên Bù Na và các loại trái cây lấy từ miền Bắc. Sau này, khi người dân trồng xen khá nhiều mít Thái trong vườn điều, anh bỏ mối thêm mít Thái ra Hà Nội. Vì buôn “hàng đặc sản” nên anh tự tay chọn từng trái tại vườn và biết cách hái được mít già (3-4 ngày sẽ chín), không bị xơ đen. Từ đó, anh “bén duyên” với nghề hái mít Thái, trở thành “thợ mít”. Mỗi năm tới vụ, anh vừa hái mít của gia đình vừa nhận “ngửi mít thuê” cho các tiểu thương trong vùng và thị xã Đồng Xoài.
Cũng như anh Trung, anh Ngọc (tạm trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú) sống xa gia đình ở Hà Nội vào mỗi mùa mít để buôn hàng từ Bình Phước ra Bắc và bán lẻ trước Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú. Anh Ngọc nói: “Tôi buôn mít Thái, sầu riêng và xoài cát. Tôi “say” mít Thái, hiểu nó và biết tường tận vườn mít nào, ở đâu đạt sản lượng tốt, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật...”. Mỗi ngày anh Ngọc bán lẻ trước cổng Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú thu lời 500 ngàn đồng, chưa tính khoản lợi khá lớn nhờ gom hàng bán tại Hà Nội.
Tuy nghề ngửi mít thuê nhìn qua thấy dễ nhưng thật khó. Anh Ngọc nói: “Mắt phải tinh, đứng dưới gốc cây nhìn lên ngọn mít cách đầu 3m. Khi chiếc lá ngả vàng, có đốm thì 90% trái đó đã già. Tiếp theo kiểm tra bằng cách dùng mũi dao chích nhẹ vào cuống. Nếu mủ mít chảy ra khá trong, nhanh thì trái mít đó đã khô ráo, sắp chín; còn ngược lại đang non, nhiều mủ, chưa hái được. Khi hái được trái mít già, 10% thành công còn lại phụ thuộc hên xui là trái đó có đen xơ không”.
Ông Trương Văn Bé, ngụ ấp Suối Cam, xã Tiến Thành (Đồng Xoài), chủ 1,2 ha mít Thái 5 năm, vui mừng nói: “Ngọc ngửi được mùi mít, chứ tui ngồi cả ngày ngoài vườn mà không phát hiện ra”.
Hiện lứa mít thứ 2 trong năm đã gần kết thúc. Do năm nay mít Thái chín sớm nên việc chuẩn bị hàng tết ra Bắc rất bất tiện. “Thay vì thu từng vườn lại phải chạy khắp nơi mới gom đủ hàng chở ra Bắc” - anh Trung cho biết. Tuy nhiên, bù lại họ bán được giá từ 85-90 ngàn đồng, thậm chí 100 ngàn đồng/kg (tại Hà Nội), gấp khoảng 3 lần giá bán tại Bình Phước. Từ nghề thợ mít, hằng năm mỗi người thợ thu trăm triệu đồng tiền lời.
Theo Trung Nhân/Báo Bình Phước

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN