Trong báo cáo triển vọng hàng hóa, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết trong quý 3, lượng tiệu thụ thép đạt 6 triệu tấn, đi ngang so với quý 2 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
BSC cho rằng tiêu thụ thép trong quý 4 có thể kém khả quan. Sản lượng xuất khẩu đã đạt đỉnh trong tháng 7, 8 và có thể giảm dần trong quý 4 do nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu, xu hướng nhập hàng của EU, Mỹ sẽ đi xuống về cuối năm.
Tương tự, tiêu thụ thép nội địa cũng được dự báo chưa cải thiện. Trong tháng 9 vừa qua, các nhà máy vẫn phải đẩy kênh xuất khẩu thép, để bù đắp cho nội địa.
Doanh nghiệp thép có ít cơ hội tăng giá thép dù chi phí sản xuất đã tăng. Giá mặt hàng này vẫn trong xu hướng giảm kể từ tháng 4 đến nay.
|
Ngành thép đối mặt với nhiều khó khăn vào quý cuối năm 2023? |
BSC dự báo giá thép thế giới trong quý 4 có thể đi ngang do đã cân bằng cung – cầu. Trong khi đó, giá thép nội địa vẫn sẽ chịu áp lực giảm nhẹ, chủ yếu do sức mua nội địa yếu, thép Việt Nam chịu sự cạnh tranh từ hàng Trung Quốc.
Biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen và Hòa Phát tăng 2,3-2,5 điểm % so với quý trước do giá nguyên vật liệu đầu vào đã giảm mạnh vào cuối quý 2. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có giá vốn tốt hơn, trong khi sản lượng xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Ở chiều ngược lại, biên lợi nhuận gộp của Nam Kim đã giảm 5 điểm % chủ yếu do giá xuất khẩu giảm.
“Biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép trong quý 4 có thể giảm do chi phí đầu vào cao, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa chưa cải thiện”, BSC dự báo.
Bộ phận phân tích cho rằng trong quý 4, ngành thép có thể tiếp tục phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, khi lượng nhập khẩu từ quốc gia 1,4 tỷ dân trong quý 3 đã tăng 52% so với cùng kỳ.
Trong trường hợp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm, các nhà máy thép sẽ có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, ngành thép cũng phải đối mặt với rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá do 8 tháng năm 2023, Trung Quốc và Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới.