Ngành thép có thể đạt đỉnh vào năm tới, cổ phiếu HPG là điểm sáng

Trong báo cáo về ngành Thép, Công ty Chứng khoán SSI lạc quan về triển vọng của ngành này khi cho rằng tiềm năng phục hồi từ nhu cầu nội địa và cổ phiếu HPG là điểm sáng trong ngành. 
Năm 2020 chứng kiến sự gia tăng thị phần mạnh mẽ của HPG, từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,5% trong 11T2020. Điều này là do sự gia tăng công suất từ Khu liên hợp gang thép Dung Quất, cũng như lợi thế cạnh tranh đáng kể về quy mô và chi phí sản xuất so với các đối thủ trong nước.
Thị phần của HSG, công ty sản xuất thép dẹt hàng đầu, cũng tăng từ 30% trong năm 2019 lên 33% trong 11T2020. Điều này chủ yếu nhờ vào kênh xuất khẩu, do công ty đã đa dạng hóa cơ sở thị trường trong những năm gần đây, và nhờ đó có thể mở rộng sản lượng xuất khẩu tốt hơn các công ty trong nước khác.
Nganh thep co the dat dinh vao nam toi, co phieu HPG la diem sang
 Nguồn: SSI.
Lợi nhuận doanh nghiệp tăng đột biến nhờ tăng trưởng sản lượng và tỷ suất lợi nhuận cải thiện. Lợi nhuận trước thuế của các công ty sản xuất thép hàng đầu đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ trong Q3 so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi mức tăng trưởng của HPG được thúc đẩy nhờ tăng trưởng doanh thu, thì tăng trưởng từ các công ty tôn mạ như HSG và NKG phần lớn đến từ việc tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện, nhờ giá thép có xu hướng tăng và áp lực cạnh tranh ở thị trường trong nước giảm khi không có công suất mới.
Giá thép có thể đạt đỉnh vào năm 2021
Tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.
Nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực, nhưng dự kiến cạnh tranh gay gắt hơn: Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. 
Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021. Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng - nhu cầu ở Trung Quốc dự kiến sẽ đi ngang trong năm 2021.
Do đó, SSI ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu
Giá tăng có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn, nhưng có khả năng đảo chiều: Giá thép sẽ vẫn ổn định trong những tháng tới do nhu cầu thế giới phục hồi và gián đoạn nguồn cung.
Nganh thep co the dat dinh vao nam toi, co phieu HPG la diem sang-Hinh-2
 Ngành thép được dự đoán lạc quan trong năm 2021.
Tuy nhiên, giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020). Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể dẫn đến việc tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép sẽ về mức bình thường.
Triển vọng dài hạn: SSI khá lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành thép. Nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới.
Ngoài ra, các công ty như HPG có thể tận dụng tối đa nguồn cung HRC trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10% trong năm 2022.
Định giá: Hệ số P/E của các công ty thép đã vượt xa mức trước Covid do tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2020, triển vọng tích cực cho năm 2021, xu hướng tăng giá thép và tâm lý thị trường chứng khoán tăng mạnh.
SSI cho rằng ngành thép có thể tiếp tục được định giá lại cao hơn trong những tháng tới do giá thép tăng mạnh.
Nganh thep co the dat dinh vao nam toi, co phieu HPG la diem sang-Hinh-3
 Phân tích cổ phiếu HPG của SSI.
Dựa vào những triển vọng đó, SSI khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 47.500 đồng/cp dựa trên P/E và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt là 10x và 7x.
SSI ước tính lợi nhuận ròng của HPG tăng 22% so với cùng kỳ trong năm 2021, nhờ vào việc khởi động lò cao BOF cuối cùng của Khu liên hợp Dung Quất vào tháng 1/2021.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng ước tính đạt 4,1 triệu tấn (+20% so với cùng kỳ), nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và HPG mở rộng thị phần.
Sản lượng tiêu thụ HRC ước tính tăng gấp 4 lần lên 2,8 triệu tấn trong năm 2021, do Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động gần cả năm.
Việc thoái vốn khỏi mảng nội thất có thể mang lại khoản lợi nhuận bất thường trong năm 2021.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN