Chiều tối ngày 16/03, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố hạ một loạt các lãi suất điều hành; cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6% xuống 5.5%, trần lãi suất tiền gửi kì hạn 1-6 tháng giảm từ 5% xuống 4.75%, lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3.5%...
Sau thông báo trên, hàng loạt các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất tiền gửi kì hạn dưới 6 tháng. So với gói hỗ trợ tín dụng 285,000 tỷ đồng hướng đến hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, động thái giảm lãi suất điều hành sẽ tác động làm giảm mặt bằng lãi suất chung, là gói kích cầu hỗ trợ toàn thể nền kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp ngoài ưu tiên.
Công ty Chứng khoán Công Thương (CTS) dự báo trong thời gian tới, bên cạnh biện pháp cắt giảm lãi suất, NHNN còn có thể làm tăng cung tiền thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nới trần tỷ lệ dư nợ so với tổng tiền gửi (LDR) đối với ngân hàng thương mại.
Với 8.1 triệu tỷ dư nợ năm 2019, nếu NHNN cho phép tăng LDR thêm 5%, 40,000 tỷ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế giúp hỗ trợ giảm lãi suất.
CTS phân tích, trở lại với cuộc khủng hoảng năm 2008 tại Việt Nam, NHNN cũng đã đưa ra các giải pháp kích cầu để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, bao gồm chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động của các ngân hàng thương mại với mức ưu đãi 4%.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại cung cấp các khoản vay cho tiêu dùng và sản xuất, góp phần làm tăng cung tiền trên thị trường.
Thực tế, nguồn vốn sử dụng cho gói kích cầu này đã chảy mạnh vào các kênh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Việc sử dụng nguồn vốn này được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả, gây thất thoát và lãng phí. Tác động tiêu cực nhất chính là việc hình thành bong bóng bất động sản, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhà đất vào năm 2012.
Với tình hình hiện nay, chính sách tiền tệ vừa ban hành được kỳ vọng sẽ hiệu quả hơn, do các nhà hoạch định sẽ không quên kinh nghiệm từ bài học năm 2008.
Theo đó, đánh giá mức độ hưởng lợi của các ngành, CTS lưu ý ngành ngân hàng sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế này do được tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn.
Đồng thời, các ngành có tỷ trọng cao trong cơ cấu vay vốn tại các ngân hàng thương mại cũng sẽ được hưởng lợi, bao gồm các ngành dịch vụ, thương mại, xây dựng và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, các ngành cụ thể bị tác động trực tiếp do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 như hàng không, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng,... cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi được tiếp cận đồng thời hai gói hỗ trợ kinh tế để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.