Phí chuyển tiền, phí rút tiền ATM, phí quản lý là điều các khách hàng đặc biệt quan tâm khi nhiều “ông lớn” ngân hàng liên tục tăng đủ loại phí. Thời gian qua, nhiều ngân hàng công bố miễn phí dịch vụ, báo hiệu cuộc cạnh tranh phí 0 đồng ngày càng gay gắt. Không thu phí dịch vụ, vậy ngân hàng lợi gì? Họ lấy tiền đâu để bù đắp chi phí?
“Kẻ” tận thu, “người” miễn phí
Chị M (Hà Nội) đang sử dụng dịch vụ Vietcombank cho biết mỗi tháng chị phải trả ít nhất 29.200 đồng cho các loại phí (bao gồm 11.000 đồng phí dịch vụ Internet Banking, 11.000 đồng phí dịch vụ SMS, phí quản lý tài khoản 2.200 đồng, phí quản lý thẻ MasterCard 5.000 đồng).
Chưa kể mỗi giao dịch chuyển tiền nội mạng, chị M trả phí 2.200 đồng, chuyển tiền ngoại mạng phí 7.700 đồng (giao dịch dưới 10 triệu đồng). Nếu chuyển trên 10 triệu đồng, tiền phí chị M phải trả là 0,02% tổng số tiền.
Trái ngược một số ngân hàng lớn thu đủ loại phí thì không ít ngân hàng lại miễn phí các giao dịch để thu hút khách. VIB vừa tung ra chương trình miễn phí vô điều kiện suốt 6 tháng đầu tiên đối với phí chuyển tiền online và phí rút tiền ATM trên 17.000 ATM toàn quốc bất kể nội mạng hay ngoại mạng.
Techcombank với chương trình Zero Fee miễn phí các giao dịch chuyển khoản trực tuyến qua F@st I- bank, và F@st mobile.
LienVietPostBank cùng Ví Việt miễn phí nạp/rút/chuyển tiền cùng hệ thống, miễn phí dịch vụ thanh toán hoá đơn điện nước, truyền hình, Internet, học phí...
ABBANK miễn phí chuyển tiền cùng hệ thống qua online banking và mobile banking, bất kể giá trị giao dịch lớn hay nhỏ. Riêng khách hàng mở tài khoản cao cấp được miễn phí thêm chuyển tiền ngoài hệ thống.
MSB giới thiệu gói M1 miễn phí các dịch vụ: phí thường niên, phí rút tiền cùng thành phố, phí chuyển tiền nội bộ...
Cuộc cạnh tranh mang tên “CASA”
Không thu phí dịch vụ, vậy ngân hàng được lợi gì, tiền đâu để bù đắp chi phí?
Câu trả lời là ngân hàng lợi nhiều thứ. Mặc dù thực hiện chiến lược phí 0 đồng từ năm 2016 nhưng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này không hề giảm mà thậm chí còn tăng.
Một trong những lý do khiến nhiều ngân hàng chuyển hướng chạy đua theo chiến lược 0 đồng là để nhắm vào luồng tiền CASA (tiền gửi không kỳ hạn). Đây là nguồn vốn với chi phí huy động giá rẻ cho các ngân hàng (lãi suất ngân hàng trả chỉ từ 0,1-0,5%/năm).
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng giám đốc Techcombank cho biết: “Khi khách sử dụng dịch vụ thì dòng tiền sẽ ở lại trong ngân hàng. Như vậy, chi phí huy động vốn giảm, NIM (Net Interest Margin) là tỉ lệ thu nhập lãi cận biên được cải thiện”.
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Hồ Vân Long – Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ của VIB cho biết: “Chương trình miễn phí vô điều kiện toàn bộ phí rút tiền và chuyển tiền sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng tài khoản VIB cho tất cả nhu cầu thanh toán cá nhân. Khi thường xuyên sử dụng tài khoản, khách hàng sẽ có xu hướng duy trì số dư tài khoản cao hơn. Qua đó chi phí vốn của ngân hàng sẽ giảm.
Hơn nữa, việc khách hàng giao dịch trực tuyến nhiều hơn không chỉ giúp thời gian giao dịch của khách hàng giảm mà còn giúp giảm thời gian hạch toán của chi nhánh và hội sở, tăng năng suất lao động từ đó giảm chi phí vận hành”.
Không chỉ có nguồn chi phí vốn giá rẻ, chiến lược phí 0 đồng còn kích thích khách hàng sử dụng thẻ nhiều hơn. Từ đó giúp ngân hàng xây dựng dữ liệu thông tin khách hàng quý giá. Và đương nhiên khi đã hiểu nhu cầu khách hàng thì sẽ tăng khả năng tăng lợi nhuận nhờ việc bán chéo các sản phẩm dịch vụ đi kèm.
Giám đốc một ngân hàng cho biết: “Khi khách hàng chi tiêu qua thẻ, chúng tôi sẽ hiểu khách hàng hơn nhờ phân tích các dữ liệu từ nhu cầu mua sắm, sở thích chi tiêu, khẩu vị rủi ro của khách hàng. Từ đó, chúng tôi thiết kế được các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khách hàng”.
Mỗi ngân hàng có một chiến lược phát triển khác nhau, nhưng không thể phủ nhận, “cuộc đua” phí 0 đồng của một vài ngân hàng đang đem lại lợi ích cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.