Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm loạt lãi suất điều hành từ 0,3-0,5 điểm % vào ngày 3/4. Trong đó giảm 0,5 điểm % đối với trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.
Theo đó, 3 nhà băng bao gồm NamA Bank, Saigonbank và VIB đã có động thái giảm lãi suất sớm nhất và cùng công bố lãi suất ở mức cao nhất 5,5%/năm đối với loại hình tiền gửi online cho kỳ hạn dưới 6 tháng. Trong khi đó một số ngân hàng khác đã giảm mạnh hơn về mức 5,2% như SHB, PVComBank và SeABank.
Tại OceanBank, lãi suất huy động tại ngân hàng này đã giảm 0,2 – 0,6 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và đang niêm yết là 8,3% tại các kỳ hạn 12 – 36 tháng.
Ngân hàng Sacombank và ACB cũng giảm 0,1 – 0,3 điểm ở các kỳ hạn trên 6 tháng, đồng thời điều chỉnh lãi suất huy động dưới 6 tháng về mức tối đa được phép.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại lớn như VPBank, Techcombank, MB…, lãi suất ngắn hạn cũng đồng loạt giảm về mức trần quy định.
Tương tự, tại TPBank và Eximbank, mặc dù ra quyết định chậm hơn so với các ngân hàng khác nhưng cũng kịp thời điều chỉnh mức lãi suất huy động về dưới 5,5% cho kỳ hạn dưới 6 tháng.
Ở nhóm Big4, do vốn duy trì mức lãi suất huy động tại quầy ở mức 5,5%/năm từ trước đó nên không bắt buộc phải điều chỉnh lãi suất huy động tại quầy dịp này.
Như vậy, đây là đợt giảm lãi suất lớn thứ 2 chỉ trong vòng 2 tuần qua. Trước đó, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3.
|
NHNN liên tiếp giảm lãi suất điều hành để cứu nền kinh tế. |
Theo NHNN trong tháng 2 vừa qua đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân với khoảng 0,4%/năm. Mức lãi suất vay thấp được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu vay vốn nhiều hơn trong thời gian tới bởi hiện tín dụng quý 1 tăng khá thấp, mới khoảng 2%.
Tại cuộc họp báo của NHNN cuối tháng 3, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong quý 2 sẽ tiếp tục điều hành lãi suất uyển chuyển, linh hoạt; phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất.
“Bối cảnh quý 2 toàn cầu chưa hẳn đã thuận lợi. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chưa tăng lãi suất ngay trong tháng 5 và mức độ tăng có thể chậm lại nhưng những bất lợi mới phát sinh là sự đổ vỡ của ngân hàng quốc tế.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đầu tư của các tập đoàn lớn trên thế giới… Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì mục tiêu hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Thực tế, theo thống kê của Chứng khoán SSI, 1 tuần sau khi NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành hồi giữa tháng 3, lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh, về mức thấp nhất trong hơn 8 tháng, chỉ còn 1,2%/năm.
Điều này cho thấy quyết định chính sách của NHNN đã ngay lập tức có hiệu quả đối với thị trường liên ngân hàng, nơi các ngân hàng cho vay mượn lẫn nhau.
Điều mà doanh nghiệp mong chờ nhất lúc này là các ngân hàng sẽ sớm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cho vay nhanh hơn, để họ có thể mạnh dạn vay vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất điều hành sẽ là tiền đề để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và cho vay, tương tự như diễn biến sau lần hạ lãi suất đợt 1 hồi đầu tháng 3. Thị trường sẽ cần một thời gian để các chính sách có sự lan toả.
Trong bối cảnh lạm phát đã giảm nhiệt, tỷ giá vẫn được duy trì ở mức tương đối ổn định, việc NHNN bắt đầu nới lỏng dần chính sách tiền tệ, tiếp tục giảm lãi suất điều hành được đánh giá là phương pháp "linh hoạt", giúp kích thích nhu cầu tín dụng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc liên tục giảm lãi suất điều hành và hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ giúp giảm chi phí cho ngân hàng. Qua đó, các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, mức giảm lãi suất cho vay là không nhiều. Vì xu hướng tăng lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục diễn ra. Ông Hiếu phân tích việc Việt Nam hạ lãi suất trong bối cảnh các nước tăng lãi suất thì giá trị của tiền đồng VND sẽ giảm đi. Khi đó, tỷ giá sẽ tăng.
Nếu tỷ giá tăng mạnh sẽ tạo sự bất ổn về tỷ giá, ảnh hưởng đến cả lạm phát nữa. Vì Việt Nam nhập khẩu rất nhiều. Nên khi nhập khẩu hàng hóa của các nước thì chúng ta nhập khẩu cả lạm phát của họ nữa. Điều này cho thấy giá hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng.
|
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - ông Cấn Văn Lực. |
"Khi chúng ta giảm lãi suất, sẽ kích cầu tín dụng, qua đó cũng giúp doanh nghiệp và người dân sẵn sàng vay nhiều hơn để đưa vào sản xuất kinh doanh tiêu dùng. Đồng thời cũng tăng thêm nguồn thu tín dụng, dịch vụ đi kèm cho các tổ chức tín dụng.
Vốn dĩ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây chính là cú hích quan trọng cho cả nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng", ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định.
Để chính sách giảm lãi suất phát huy tác dụng, tiến sĩ Cấn Văn Lực khuyến cáo cần thận trọng với lạm phát vì lạm phát của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn khi tới tháng 7 tăng lương cơ sở...
Về điều này, NHNN khẳng định không chủ quan với áp lực lạm phát, sẽ theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế... để chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.