Theo tài liệu họp cổ đông được Vietinbank công bố, nhà băng này đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng khiêm tốn và bỏ ngỏ con số lợi nhuận năm nay.
Cụ thể, Vietinbank dự kiến tổng tài sản chỉ tăng khoảng 1-3% năm nay, trong khi số tăng năm liền trước là 6,5%. Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn cũng được đặt mục tiêu tăng lần lượt 4-8,5% và 5-10%, trong đó hạn mức tín dụng của nhà băng này được NHNN giao là 8,5%.
Trong khi đó, ngân hàng này cho biết con số lợi nhuận sẽ phải căn cứ vào diễn biến và tác động của dịch Covid-19 để tính toán. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả và cải thiện so với năm trước.
Vietinbank cũng dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có. Tuy vậy, phương án chia cổ tức cụ thể sẽ thực hiện theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh hiện nay, BIDV là đại diện duy nhất đã tổ chức ĐHCĐ và thông qua kế hoạch lợi nhuận năm nay với mức tăng 15%, tương đương 12.500 tỷ trước thuế. Điều kiện để hoàn thành mục tiêu này là dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, trường hợp ngược lại kế hoạch kinh doanh sẽ được chiều chỉnh theo diễn biến thị trường.
Về các chỉ số tài chính, tăng trưởng tín dụng nhà băng này được giao năm nay là 9% và dự kiến tăng trong mức này, huy động vốn cũng tăng tương ứng.
Hiện tại, Vietcombank và Agribank vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về con số lợi nhuận năm nay.
Tuy nhiên, thông tin được Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay sẽ phải giảm ít nhất 40% lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay với người dân, doanh nghiệp.
“Ví dụ Vietcombank năm trước lãi 22.000 tỷ đồng thì năm nay phải giảm 30-40% lãi. Ít nhất đóng góp khoảng 8.000 tỷ cho vấn đề hạ lãi suất”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Với nhóm tư nhân, nhiều nhà băng vẫn tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng trong năm nay nhưng con số tăng đã thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ.
Cụ thể, SeABank dự kiến con số lợi nhuận năm nay thu về đạt 1.506 tỷ trước thuế, tăng 8% so với năm 2019. Số này thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 124% năm 2019 vừa qua.
MSB cũng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 1.439 tỷ, tăng 12% (năm trước tăng 22%). Trong đó, kế hoạch cải thiện lợi nhuận của cả hai nhà băng này chủ yếu phụ thuộc vào việc tăng trưởng tín dụng, với 20% tại MSB và 13,6% tại SeABank.
Tại đại hội cuối tháng 3, cổ đông Kienlongbank đã thông qua kế hoạch lợi nhuận 750 tỷ trước thuế, tăng gấp 9 lần so với năm liền trước. Lý giải con số tăng mạnh này, ngân hàng cho biết sẽ ghi nhận lại các khoản lãi phải thu hạch toán giảm trong các năm trước sau khi xử lý xong tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ngân hàng cũng lưu ý kế hoạch lợi nhuận này dựa trên kịch bản dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt nhất.
NamABank hiện là ngân hàng duy nhất dự báo giảm lợi nhuận năm nay với chỉ tiêu 800 tỷ, giảm 14% dù huy động vốn và dư nợ tín dụng vẫn dự kiến tăng trưởng 21-22%. Theo lãnh đạo ngân hàng, kinh tế trong nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và tác động đến hầu hết ngành nghề, gồm cả ngân hàng.
Thực tế những năm gần đây, ngân hàng luôn là nhóm có lợi nhuận cũng như tốc độ tăng trưởng năm thuộc top đầu thị trường.
Theo số liệu từ SSI Research, nhóm ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 vào khoảng 30% cao thứ 3 thị trường, tương đương bất động sản, ôtô và phụ tùng.
Dù vậy, nhóm ngân hàng vẫn duy trì vị thế số 1 về lợi nhuận tuyệt đối với 110.662 tỷ đồng năm 2019 (tính trong 18 ngân hàng niêm yết), số này cũng chiếm hơn 1/3 tổng lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán năm vừa qua.