Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16.045 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra và tăng trưởng tăng 17,2% so với năm 2022.
Kết quả này chủ yếu nhờ vào sự bứt phá của mảng thu nhập ngoài lãi. Thu nhập ngoài lãi của ngân hàng tăng trưởng 48%, đóng góp 24% vào doanh thu, giúp giảm áp lực lên mảng thu nhập từ lãi. Dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư là hai mảng đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB.
Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất theo quy định của pháp luật chuyên ngành đạt 12,48%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sỡ hữu (ROE) đạt gần 24,8%.
|
"Điểm trừ" duy nhất trong BCTC 2023 của ACB là nợ xấu. |
Nợ xấu của ACB đã tăng lên mức 1,21% trong năm 2023, đây là mức tăng đáng chú ý so với đầu năm. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng, tỷ lệ này vẫn thuộc nhóm thấp nhất.
Tổng nợ xấu nội bảng của ACB tính đến cuối năm 2023 là 5.887 tỷ đồng, tăng 93,35% so với đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 112,63%, Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 139,85% và Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 80%.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ngân hàng ACB là 718.794 tỷ đồng, tăng 18,25% so với đầu năm. Quy mô tín dụng của ngân hàng cũng đạt gần 488 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân của ngành. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất của ACB trong vòng 10 năm trở lại đây.
Có được điều này một phần là nhờ những chính sách cho vay linh hoạt, nổi bật là gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm. Lũy kế năm 2023, ngân hàng ACB ghi nhận thu nhập lãi từ việc cho vay khách hàng đem về 52.346 tỷ đồng, tăng 28,62%.
Tuy chi phí phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng tăng lên 27.387 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần vẫn giữ được đà tăng trưởng, đạt 24.959 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với năm trước.
Quy mô huy động năm 2023 của ACB đạt gần 483 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ và đạt 22%, giúp ACB lọt vào Top 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất.
Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II của ACB vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%. Tỷ lệ LDR và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ACB đều tuân thủ quy định của NHNN.
ACB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và quy định của NHNN. ACB cũng đã hoàn thành phần lớn các nội dung về quản trị IRRBB theo Basel III. Chi phí hoạt động của ACB năm 2023 cũng được tối ưu hóa, giảm 6,3% so với 2022, giúp tỷ lệ CIR được cải thiện từ 40% xuống còn 33%.