"Ngả mũ" thú chơi lan rừng có một không hai của đại gia Việt

Những giò lan đột biến gen có màu sắc, hình dáng độc, lạ đang trở thành đối tượng săn lùng của dân chơi lan.
Không ít người dám bỏ ra hàng chục triệu, trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng để sở hữu một ngọn lan đặc sắc. Vì giá cả của các loại lan này ngày một lên cao khủng khiếp mà đã xảy ra không ít những hệ lụy của cả dân chơi và dân buôn.
Đo cây tính tiền
Người ta thường nói "vua chơi lan, quan chơi cá", điều này để thấy thú chơi lan rất đặc biệt và không phải ai cũng có thể chơi được. Khoảng 5 năm trở lại đây, giới chơi lan cả nước rộ lên phong trào tìm kiếm những giống lan "đẹp - độc - dị".
Chúng là những giống lan rừng biến dị tự nhiên về màu sắc, hình dáng cả về lá và hoa. Từ trước tới nay, giới chơi lan đất Hà Thành không phải là hiếm nhưng những "cao thủ" chơi lan đột biến có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một trong những "ông trùm" trong giới chơi lan đột biến phải kể đến ông Lý Cường (Tây Hồ, Hà Nội). Ông nổi tiếng bởi sở hữu rất nhiều dòng lan đột biến có một không hai ở Việt Nam. Chỉ có giới chơi lan chuyên nghiệp mới có thể định giá được khu vườn nhỏ xinh của vợ chồng ông. Vườn lan nổi tiếng này có tới hơn 2.000 giống đột biến đặc biệt, nó là sự thèm khát của dân chơi lan, khiến các "nhà lan học" cũng phải trầm trồ ghen tỵ.
Để có được cơ ngơi đặc biệt này, ông Cường đã mất hàng chục năm gây dựng, sưu tầm, mất không ít tiền "học phí". Theo ông Cường, tâm lý chung của người chơi lan là thích những cây đột biến, bởi nó mang lại sự kích thích, sự hưng phấn cho người chơi. Những cây đột biến đặc biệt về màu sắc, hình dạng hoa, lá, độ dày của cánh, lưỡi, thậm chỉ cả mắt, mũi của một bông hoa.
"Đặc biệt lưu ý với người mới chơi lan, cần phải cảnh giác với những cây lai tạo công nghiệp. Cây lan đột biến tự nhiên chỉ có thể nhận diện được khi cây ra hoa, cộng với vài yếu tố và kinh nghiệm thực tế như mùa ra hoa, màu sắc, mùi hương, hình dáng… Nói chung, chỉ có dân trong nghề mới có thể nhận biết được"- ông Cường cho hay.
Giò lan đột biến này được chủ nhân định giá 60 triệu đồng. 
Theo kinh nghiệm của dân chơi lan sành sỏi, mùi hương của lan công nghiệp và lan rừng cũng có nhiều điểm khác nhau. Anh Nguyễn Văn Ki (Hội Sinh vật cảnh quận Hà Đông) chia sẻ: "Tôi lấy vị dụ cây trầm trắng, nếu là cây công nghiệp sẽ ra hoa vào tháng 2, 3, còn là hàng rừng thì sẽ ra hoa từ tháng 4 đến tháng 7. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào mùi hương của hoa để nhận diện cho chính xác, nếu là cây công nghiệp thì hương hoa sẽ làm người ngửi hình dung đến một loại mỹ phẩm nào đó, một mùi hương quen quen. Nhưng nếu là cây rừng tự nhiên thì mùi hương sẽ rất đặc biệt, không thể phân biệt được là mùi gì. Đồng thời xem khuôn bông, cánh hoa có nở căng không, hình dạng lá, lưỡi để phân biệt. Nhưng chủ yếu vẫn là căn cứ vào thời gian nở hoa, mùi hương hoa để nhận diện lan đột biến".
Anh Ki cũng là người nổi tiếng trong giới chơi lan đột biến ở khu vực Hà Đông, anh đang sở hữu rất nhiều cây lan đặc biệt quý hiếm. Vườn lan của anh chỉ rộng khoảng 50m² nhưng được thiết kế hết sức đặc biệt. Phía trên giàn treo là lưới chống nắng, dưới là các tấm nhựa chống mưa. Để chống chọi với thời tiết nắng nóng anh còn lắp quạt điều hòa, phun sương.
Anh Ki tâm sự: "Vườn lan này có giá trị vài tỷ, chính vì thế mình phải thiết kế sao cho đảm bảo an toàn nhất cho cây. Đặc biệt là phải điều tiết được ánh sáng, gió và nước mưa, vì cây lan rất dễ bị nấm bệnh do thời tiết".
Dứt lời anh đưa cho chúng tôi xem 1 đoạn thân già đang nhú 4 mắt ngủ, anh nói: "Nói cô chú không tin chứ, chỉ có 1 khúc thân già này mà tôi đã phải bỏ ra 300 triệu đồng để mua về đó. Đây là bông phi điệp đột biến, có tên là Phi điểu lan, một dòng lan đột biến rất quý hiếm. Nó không chỉ đẹp mà còn có hương thơm rất đặc biệt. Chính vì thế nó được rất nhiều dân chơi săn lùng, giá của dòng này không tính bằng cây nữa mà đo cm để tính tiền, loại này mỗi centimet lên tới cả chục triệu".
Theo như anh Ki, những gì anh đang có chưa thấm vào đâu so với một số dân chơi ở Việt Nam. Anh tiết lộ, ở Hà Nội có những vườn lan vài chục mét vuông có giá mấy chục tỷ đồng. Để sở hữu những bông lan đặc biệt không chỉ có tiền mà người chơi phải có duyên. Chính vì vậy, mỗi bông phong lan đẹp đều có một cái gắn với chủ nhân của nó.
Trong giới chơi lan không còn lạ gì với bông Phi điệp 5 cánh trắng Hiển Oanh, gắn tên của ông Oanh (Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hòa Bình), hay Phi điệp trắng Quân, gắn tên của ông Quân (Chủ tịch Hội địa lan Hà Đông). Tương tự như các bông trắng Thực Hà, 5 cánh trắng Bùi Việt, 5 cánh trắng Dương Kim Liên, Hồng Xòe, 5 cánh trắng Phú Thọ…
Nhiều nhà vườn cũng đã thử vận may của mình bằng cách mua hàng tạ lan rừng, thậm chí cả tấn lan về vườn để thuần. Họ kiên trì chờ đợi hoa nở, chọn lọc lấy những bông đặc biệt.
Anh Ki kể: "Bản thân tôi cũng là người đi mua hàng tạ lan rừng về nhà thuần. Cách đây 2 năm, tôi mua khoảng 3 tạ lan phi điệp rừng của Lào, vậy mà cũng chỉ xổ ra được đúng 1 ngọn lan đặc biệt. Như thế cũng đã liệt vào hàng may mắn rồi, bởi có anh bạn mua tới 7 tấn lan về để hy vọng. Cuối cùng cũng không được bông đột biến nào cả".
 Hình ảnh chơi lan bình dân thế này ngày một ít đi.
Những cuộc giao dịch tiền tỷ
Chính vì giá trị của những cây lan đột biến quá lớn nên trong giới chơi lan đã xảy ra không ít những câu chuyện thị phi. Nhiều người cho rằng, giới chơi lan đã tạo ra một liên minh, từ đó ép giá, lăng xê những bông hoa vừa mới được tìm thấy. Khi đó họ tha hồ hét giá cho mỗi cây lan của mình. Mới đây, giới chơi lan được một phen điên đảo khi trên các diễn đàn có phát trực tiếp một cuộc giao dịch phong lan tiền tỷ. Chủ nhân của cây lan đặc biệt có tên "Bướm đại ngàn" đã quay clip phát trực tiếp cuộc giao dịch, chuyển giao cây cho một chủ khác. Số tiền để sở hữu cây lan "Bướm đại ngàn" lên tới 1,1 tỷ đồng. Đặc biệt hơn cây lan này chỉ có độ dài hơn 20cm. Trong clip có đoạn: "Tôi giao cây này cho anh H với giá 1,1 tỷ đồng, sẽ đảm bảo cây chuẩn, bán đứt gốc (không còn lưu giữ bất kỳ giống của cây này). Nếu sai tôi sẽ đền gấp đôi số tiền mà anh H đã trả…". Bên cạnh những bình luận suýt xoa nể phục về độ chịu chơi thì không ít ý kiến cho rằng họ chỉ "làm hàng", đánh bóng thương hiệu với mục đích bán cây con sau này.
Cách đó vài tháng, giới chơi lan Việt Nam cũng được một phen điên đảo với cuộc giao dịch giò lan lên tới 700 triệu đồng. Gọi lan chứ thực giò 5 cánh trắng Kim này, tổng chiều dài khoảng 2m, bình quân mỗi cm thân cây giá khoảng 3,5 triệu đồng. Giao dịch này cũng gây không ít bàn tán, người thì cho rằng đó là một màn kịch hoàn hảo, người lại cho rằng đó là giò lan xứng đáng với giá 700 triệu đồng. Anh Huy, một người chơi lan sành sỏi đất Hà Nội cho hay: "Đó là một cuộc giao dịch có thật. Nhóm người đứng ra mua giò lan đó là ở Hòa Bình, nói về độ độc, đẹp thì giò lan đó hoàn toàn xứng đáng. Cách đây khoảng 2 tháng cũng có một cuộc giao dịch lên tới 1,2 tỷ cho một giò lan Phi điệp có tên "5 cánh trắng Trường Sa". Có lẽ những cuộc giao dịch tiền tỷ như vậy không còn là điều kinh ngạc trong giới nữa rồi. Để định nghĩa một cây lan đẹp mỗi người chơi đều đưa ra những tiêu chuẩn, vì thế việc tranh luận là điều dễ hiểu. Trong giới chơi lan chuyên nghiệp, chuyện giò lan có giá trị bằng một gia sản là không hiếm".
Cuộc giao dịch 700 triệu cho cây 5 cánh trắng Kim khiến giới chơi lan xôn xao. 
Nhiều người cho rằng, chơi lan là thú chơi dễ "nghiện" bậc nhất quả không sai. Bởi với mỗi người chơi, sở hữu bao nhiêu cũng là chưa đủ, bộ sưu tầm không chỉ là quân số mà phải là độ độc đáo, quý hiếm của cây. Chính vì nhu cầu này mà đã xuất hiện không ít những con buôn hoặc những nhà vườn mua hàng quý hiếm để nhân giống sau đó xuất ra thị trường.
Anh Huy cho biết: "Chỉ khoảng 1 năm nay người ta đầu tư vào lan là rất lớn, đặc biệt là dòng lan đột biến. Bản thân tôi thấy có những người bỏ ra cả chục tỷ đồng để mua cây về nhân giống, sau đó bung ra thị trường. Đây là một nghề hái ra tiền nếu có kỹ thuật chăm sóc, nhân giống".
Theo tiết lộ của giới chơi lan, hiện nay trên thị trường cũng đã không ít nhiều người nhận trái đắng vì lan. Đơn giản vì thị trường mua bán lan chủ yếu ở các hội trên mạng xã hội, giao dịch với nhau chủ yếu bằng uy tín. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều này đưa những cây không phải hàng đột biến lên bán. Họ đăng bán cũng không quên đảm bảo là sai đền cây gấp đôi, thậm chí thích thì viết giấy mua bán. Nói về vấn đề này, anh Trần Cường (Cao Phong, Hòa Bình) cho rằng: "Việc mua bán đúng là chỉ dựa trên uy tín chứ không có gì để đảm bảo. Mặc dù có giấy viết tay mua bán cây, với những điều khoản khắt khe nhưng khi nở hoa lại sai thì cũng khó lòng mà giải quyết được. Vì cây lan này mang ra pháp luật có ai định giá được nó bao nhiêu tiền đâu. Thực tế đã có rất nhiều người bỏ ra tiền tỷ để mua cây nhưng khi cho hoa lại không đúng. Nếu không giải quyết được bằng tình cảm thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn".
Theo Cảnh sát toàn cầu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN