Sáng 3/5, đại diện Saigon Petro đề xuất với Bộ Công Thương sớm triển khai xăng E5 RON 95, khi đó trên thị trường chỉ bán 2 loại xăng sinh học là xăng E5 RON 92 và xăng E5 RON 95. Đề xuất "khai tử" xăng A95 đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác.
Tuy nhiên, đề xuất trên lại vấp phải sự phản ứng dữ dội từ dự luận. Hiện rất nhiều người tiêu dùng vãn đang lựa chọn sử dụng xăng A95 quen thuộc. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu dòng xăng này bị loại khỏi thị trường thì khác nào người tiêu dùng bị ép phải dùng xăng sinh học?
Ngoài ra, không ít ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi: Nếu đề xuất bỏ xăng A95 được thông qua thì ai sẽ là người có "lợi" nhiều nhất?
Cả nước hiện nay có khoảng 7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol các loại. Tuy nhiên, phần lớn nhà máy này đã phải tạm dừng sản xuất vì không có thị trường tiêu thụ, trong đó bao gồm cả 3 dự án nhà máy nhiên liệu sinh học thua lỗ của Bộ Công Thương.
Trong khi đó, hiện việc cung cấp nhiên liệu E100 (ethanol dùng để phối trộn xăng E5) chỉ phụ thuộc vào 2 nhà máy sản xuất gồm Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng), cả 2 nhà máy này đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tùng Lâm (địa chỉ trụ sở chinh tại số 58, phố Ngọc Hà, Phường Đội Cấn, Quận Ba Đình, Hà Nội).
Ông chủ của công ty này là ông Võ Kiên Chỉnh, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Chỉnh cũng chính là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam thành lập năm 2011. Ông chủ của Tùng Lâm là một trong 11 thành viên sáng lập của hiệp hội.
|
Khuôn viên nhà máy cồn Tùng Lâm Đồng Nai. Ảnh: http://tunglam.com.vn. |
Theo giới thiệu trên website http://tunglam.com.vn, Công ty TNHH Tùng Lâm được được thành lập từ 23/4/1994, kinh doanh trong nhiều ngành như nông, lâm nghiệp, thủy sản và trà... Theo giấy đăng ký doanh nghiệp, tính đến năm 2013, tổng vốn điều lệ của Tùng Lâm là 200 tỷ đồng.
Xuất phát điểm của Công ty TNHH Tùng Lâm là sản xuất và xuất khẩu chè sang các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Đức… Sau đó, Tùng Lâm bắt đầu sự đa dạng hóa sản phẩm của mình, không chỉ giới hạn trong sản phẩm chè, mà còn mở rộng ra nhiều mặt hàng khác như Túi, Dép Nhật, Máy Sưởi sử dụng cho Nông Nghiệp...
Việc sản xuất ethanol được nhen nhóm từ năm 2000 khi công ty này lần đầu tiên xuất khẩu sắn lát của Việt Nam sang Trung Quốc - mặt hàng đóng góp khoảng 30% GDP của Việt Nam.
Từ năm 2007, thay vì xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc, công ty bắt đầu đầu tư nhà máy sản xuất ethanol, bao gồm cả cồn 99% pha xăng và cồn 95% thực phẩm và công nghiệp từ nguyên liệu sắn với công suất 60.000 m3/năm tại Biên Hòa, Đồng Nai.
Ngoài việc đầu tư nhà máy sản xuất ethanol, Tùng Lâm còn đầu tư vào cả thị trường tài chính và bất động sản thông qua Công ty cổ phần Tài chính và Đầu Tư Bất Động Sản Tùng Lâm vào năm 2010. Công ty này do Tùng Lâm nắm giữ 100% vốn.
Đến năm 2012, khi Chính phủ quyết định áp dụng xăng sinh học E5 làm nhiên liệu thay thế cho xăng A92 truyền thống. Để đáp ứng nhu cầu về sản xuất ethanol trong nước, Tùng Lâm đã đầu tư thêm một nhà máy sản xuất ethanol.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn sở hữu một Nhà máy sản xuất chè (Công ty TNHH MTV Tùng Lâm Hòa Bình) và đồng thời công ty cũng có 1 chi nhánh tại Nanning, Trung Quốc.
Theo thông tin trên Zing, tổng sản lượng ethanol Công ty Tùng Lâm cung cấp ra ngoài thị trường hiện nay là khoảng 200.000 m3/năm, tương đương khoảng 200 triệu lít, đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 (tương đương 3 triệu tấn) xăng sinh học E5 (pha 5% ethanol) mỗi năm.
Đơn vị này là doanh nghiệp duy nhất cung cấp ethanol để pha xăng E5 và bán ra thị trường trên 2.000 m3 mỗi tháng trong năm 2016. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chia sẻ đang chủ yếu mua nguyên liệu ethanol từ công ty này.