Tháng 12/2015, Ngân hàng TMCP Quốc tế (HoSE: VIB) và Prudential Việt Nam ký kết hợp tác độc quyền bancassurance trong thời hạn 15 năm.
Ngày 19/6, VIB thông báo mối quan hệ hợp tác với Prudential sẽ được gia hạn đến năm 2036 với loạt thay đổi mới.
Theo đó, tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu, thể hiện chất lượng của quá trình tư vấn và chăm sóc khách hàng, sẽ tăng dần đến mức tỷ lệ lý tưởng. Một ủy ban chấp hành sẽ được thành lập để quản lý các quy tắc ứng xử trong chăm sóc khách hàng. Việc bán sản phẩm bảo hiểm phù hợp với đối tượng khách hàng thông qua việc phân bổ tỷ trọng danh mục sản phẩm và đối tượng khách hàng.
Chứng khoán VietCap (VCSC) kỳ vọng VIB sẽ nhận thêm 1 khoản phí bancassurance từ thương vụ này, hỗ trợ tăng cường vốn cấp 1 của VIB. VIB chưa thông báo quy mô của thương vụ này, nhưng VCSC cho rằng sẽ có sự tương đồng với các mối quan hệ hợp tác độc quyền bancassurance được ký kết lại gần đây, ví dụ VPBank và AIA, LietVietPostBank và Dai-ichi Life, Sacombank và Dai-ichi Life.
VIB nằm trong 5 ngân hàng bán bancassurance hàng đầu tại Việt Nam trong vài năm qua. Với chiến lược định hướng trọng tâm bán lẻ, VCSC tin rằng VIB có tiềm năng đáng kể để khai thác thu nhập phí ròng từ tệp khách hàng của ngân hàng trong tương lai.
Về tình hình kinh doanh quý 1/2023, nguồn thu chính của VIB là thu nhập lãi thuần tăng khá 22% so cùng kỳ, lên mức 4.304 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi lại đi xuống, đơn cử như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 4,4% về còn 618 tỷ đồng; Kinh doanh ngoại hối tiếp tục chìm trong thua lỗ với gần 28 tỷ đồng; Mua bán chứng khoán đầu tư cũng bi quan khi chuyển từ có lãi của cùng kỳ sang thua lỗ 10 tỷ đồng; Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 12% về mức 45 tỷ đồng.
Thêm vào đó, kỳ này VIB chi tới 668 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 1,7 lần cùng kỳ. Dù vậy, VIB vẫn đạt 2,155 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% so cùng kỳ 2022.
Tại thời điểm cuối quý 1/2023, tổng tài sản của VIB tăng 4,2% so đầu kỳ, lên 357.247 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 229.177 tỷ đồng, tăng trưởng âm 1,2% so đầu kỳ.
Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi của khách hàng cũng giảm 0,4% so đầu kỳ về mức 199.267 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của VIB tăng vọt 47% so đầu kỳ, lên tới 8.342 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng từ 2,45% của đầu kỳ lên tới 3,6%.
Gần đây, VIB cũng đã ký kết một khoản vay nước ngoài trị giá 100 triệu USD (2,3 nghìn tỷ đồng) có kỳ hạn 5 năm với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Khoản vay này nằm trong kế hoạch của VIB từ đầu năm mà ngân hàng dự kiến vào quý 1/2023.
Mục đích của khoản cấp vốn này là hỗ trợ VIB đẩy mạnh cho vay cá nhân mua, xây, sửa nhà. VIB sẽ dành ít nhất 30 triệu USD (700 tỷ đồng) để tài trợ cho các khoản vay mua nhà dưới 55.600 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng).
VIB không cho biết cụ thể chi phí huy động vốn nhưng cho biết chi phí huy động thấp hơn so với huy động vốn kỳ hạn 5 năm trong nước. Ngoài ra, chi phí huy động khoản vay này gần bằng với chi phí huy động của khoản vay nước ngoài trị giá 150 triệu USD nhận được từ IFC vào tháng 10/2022.
Tính đến quý 1/2023, VIB đã nhận được khoảng 800 triệu USD vốn nước ngoài từ IFC và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) so với tổng kế hoạch dài hạn lên tới 2 tỷ USD, trong đó 250 triệu USD là các khoản vay dài hạn nước ngoài từ IFC và khoảng 550 triệu USD là các khoản vay hợp vốn nước ngoài từ IFC, ADB và các đối tác khác. Ngoài ra, VIB còn được IFC cấp hạn mức tài trợ thương mại 200 triệu USD (đây là vốn ngắn hạn và chưa giải ngân).