Theo đó, NamABank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 148.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2020. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 122.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2020.
Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 107.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020 nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 39%), mức lợi nhuận này được tính toán trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt được kế hoạch đề ra và phù hợp quy định NHNN; đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành của NHNN; điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.
Nhìn lại năm 2020, NamABank ghi nhận tổng tài sản đạt 134.315 tỷ đồng, tăng 42% và vượt 16% kế hoạch. Trong đó, tỷ trọng tài sản có sinh lời chiếm 94%.
Huy động vốn từ cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 105.211 tỷ đồng, tăng 40% và vượt 14% kế hoạch.
Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 89.172 tỷ đồng, tăng 32% và vượt 9% kế hoạch. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu là 0,83%.
Lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) đạt mức 1.005 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2019 và đạt 101% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế gần 800 tỷ đồng.
Phát hành 200 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 8.564 tỷ đồng
Với kết quả đó, NamABank quyết định chia cổ tức tối đa 27,15% theo vốn cổ phần tại ngày 31/12/2020, trong đó năm 2019 là 12,48% và năm 2020 là 14,68%, tương ứng tổng số tiền chia cổ tức là 1.240 tỷ đồng.
Theo đó, HĐQT NamABank xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng, từ mức 6.564 tỷ đồng lên 8.564 tỷ đồng.
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10,20%. Đồng thời, NamABank cũng chào bán ra công chúng gần 33 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 5,02%. Ngoài ra, nhà băng này còn chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ tỷ lệ 15,23%.
Như vậy, NamABank dự kiến phát hành tổng cộng 200 triệu cổ phiếu.
Việc tăng vốn điều lệ theo phương án năm 2021 này phụ thuộc vào kết quả tăng vốn năm 2020 được NHNN thông qua. Do đó, HĐQT trình cổ đông giao cho HĐQT triển khai phương án tăng vốn năm 2021 và chủ động điều chỉnh, thay đổi các nội dung liên quan trên cơ sở vốn thực tế tại thời điểm thực hiện.
Đồng thời, cho HĐQT được chủ động lựa chọn 1 trong 2 hình thức triển khai tăng vốn gồm tăng từ 4.564 tỷ lên 6.464 tỷ và phương án tăng từ 6.564 tỷ lên 8.564 tỷ đồng. Hoặc, thực hiện các thủ tục cần thiết để triển khai kết hợp đồng thời với phương án tăng vốn năm 2020 và năm 2021 từ 4.564 tỷ lên 8.564 tỷ.
Trong năm 2020, cổ phiếu NAB đã chính thức giao dịch trên hệ thống UPCoM vào ngày 09/10/2020 và ngân hàng đã gửi hồ sơ xin phép niêm yết đến Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), hiện đang chờ ý kiến chấp thuận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.